Tiền thân là trường bổ tức văn hóa, trải qua hơn 40 năm trưởng thành và phát triển, đến nay, trung tâm GDTX-GDNN Ngọc Lặc đã từng bước khẳng định được uy tín chất lượng của nhà trường so với các trường trên địa bàn huyện cũng như các trường thuộc ngành học giáo dục thường xuyên. Nhà trường đã xây dựng được đội ngũ giáo viên tương đối đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhiều giáo viên được công nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Giáo dục đại trà ổn định và giữ vững, chất lượng mũi nhọn được nhà trường chú trọng và nâng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và Quốc gia. Kết quả các kỳ thi học sinh giỏi cho thấy hàng năm cho thấy đơn vị Trung tâm GDTX-GDNN Ngọc Lặc luôn là đơn vị trong tốp đầu của ngành GDTX tỉnh Thanh Hóa.
Năm 2017, thực hiện Quyết định 3123/QĐ-UBND, ngày 23/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đổi tên Trung tâm GDTX Ngọc Lặc thành Trung tâm GDTX-GDNN Ngọc Lặc. Quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm GDTX-GDNN Ngọc Lặc đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của trung tâm với hai nhiệm vụ song song là vừa đào tạo văn hóa vừa đào tạo nghề. Nhà trường đã không những vẫn đáp ứng được nhu cầu học văn hóa để lấy bằng tốt nghiệp THPT và thi vào các trường Đại học, Cao đẳng mà còn từng bước vượt qua những khó khăn đưa công tác đào tạo nghề dần đi vào ổn định và đạt được những thành tựu bước đầu.
Số học sinh học nghề không ngừng tăng qua các năm, số học sinh đăng ký học nghề đạt khoảng 90%. Hiện tại Trung tâm có 23 lớp nghề với số học sinh đang theo học là trên 600 học sinh. Đa số học sinh tại Trung tâm đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề và tham gia học tập với thái độ tích cực, hào hứng. Sau thời gian tham gian học tập, các em đã trang bị được cho bản thân những kiến thức và kỹ năng ở các nghành nghề mình theo học, trở thành những người lao động tự tin, vững tay nghề trong các môi trường như ăn phòng công ty, nhà máy, công trường, công xưởng…Đó không những là thành công của học sinh, sinh viên mà còn là thể hiện sự nỗ lực đáng ghi nhận của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường trong công tác tổ chức, quản lý và giảng dạy.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động, Trung tâm đã đổi mới công tác đào tạo, xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong đó, đã chủ động mở thêm các ngành nghề xã hội đang cần; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp; từng bước đào tạo nghề hướng vào phục vụ theo nhu cầu của thị trường lao động, nhất là khối các doanh nghiệp, đồng thời chú trọng đổi mới phương pháp đào tạo cho phù hợp với đối tượng học sinh tại trung tâm, tăng cường các giờ giảng thực hành, tích hợp; tổ chức đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp nhằm giảm chi phí đào tạo, giúp học sinh tiếp cận được với công nghệ, máy móc hiện đại. Đặc biệt, Trung tâm chú trọng gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm thông qua hình thức hợp tác xây dựng chương trình đào tạo, nơi thực tập sản xuất cho học sinh, sinh viên, liên kết tạo điều kiện để học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định.
Với mục tiêu mỗi học sinh đều phải có ít nhất 1 nghề trong tay sau khi tốt nghiệp, nhà trường cũng thường xuyên liên kết với các trường Cao đẳng cơ điện xây dựng Việt Xô (Tam Điệp – Ninh Bình), Trường Cao đẳng công nghiệp thực phẩm (Việt Trì, Phú Thọ) để mở các lớp nghề như: kỹ thuật xây dựng; công nghệ may và thiết kế thời trang; điện dân dụng; kỹ thuật chế biến và bảo quản thực phẩm…nhằm tạo ra sự đa dạng nghành nghề để học sinh có nhiều sự lựa chọn và có cơ hội tiếp cận những nghành học phù hợp với đam mê, sở trường và nhu cầu của xã hội. Với sự nỗ lực tìm tòi phát triển nhà trường trong bối cảnh nhu cầu và thị hiếu giáo dục hướng nghiệp đang ngày càng hướng tới xu hướng học nghề phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện của bản thân và nhu cầu của xã hội thì những thành quả bước đầu gặt hái được trong công tác tuyển sinh và đào tạo đã khẳng định việc học văn hóa kết hợp với học nghề là bước đi đúng hướng, đem đến sự phát triển bền vững cho Trung tâm.
Trung tâm GDTX-GDNN Ngọc Lặc hôm nay, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng trên chặng đường 40 năm ấy đã có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giáo dục của huyện Ngọc Lặc nói riêng, của ngành học GDTX nói chung. Và điều quan trọng hơn là Trung tâm GDTX- GDNN giúp học sinh khu vực miền núi ra trường, bước vào cuộc sống với một vốn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản, để các em có những định hướng, sự lựa chọn cho tương lai phía trước.
Ngọc Lâm