TP.HCM đồng hành cùng doanh nghiệp FDI tháo gỡ khó khăn

09:09 21/08/2021

TP.HCM sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động...

Sáng 20/8, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa Lãnh đạo Thành phố và đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn TP.HCM với chủ đề “TP.HCM đồng hành cùng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19”.

Tại Hội nghị, 6 Hiệp hội nước ngoài đã trao đổi về những khó khăn, đồng thời đề xuất một số kiến nghị và giải pháp với lãnh đạo TP.HCM. 

TP.HCM đồng hành cùng doanh nghiệp FDI tháo gỡ khó khăn
TP.HCM đồng hành cùng doanh nghiệp FDI tháo gỡ khó khăn. (Ảnh: Internet) 

Cụ thể, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) kiến nghị cho phép các đơn vị y tế tư nhân được triển khai tiêm vaccine; cho phép doanh nghiệp tự test nhanh Covid-19 cho nhân viên và tăng giờ làm để phục hồi sản xuất; hỗ trợ thủ tục cho các chuyên gia thuận tiện đi lại và cắt giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày cho những chuyên gia đã tiêm đủ 2 liều vaccine.

Hiệp hội Thương mại Châu Âu (EuroCham) đề xuất sửa đổi mô hình “3 tại chỗ”; đơn giản hoá các thủ tục hải quan để hỗ trợ thông quan nhanh các thủ tục về thuốc và các thành phần phục vụ ngành y tế; đề nghị cho phép lưu thông, vận chuyển hàng hoá không nằm trong danh sách cấm lưu thông theo tinh thần công văn 4482 của Bộ Công Thương trên cơ sở đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ thủ tục xin cấp thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài, đặc biệt là trường hợp tái nhập cảnh của các chuyên gia.

Tương tự, Hiệp hội các doanh nghiệp Đức (GBA) cũng kiến nghị, Thành phố chỉ nên áp dụng hình thức "3 tại chỗ" tối đa 4 tuần, bởi nếu kéo dài quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; yêu cầu nhân viên tự cách ly tại nhà 7 ngày (khi từ nhà máy về nhà). Đối với hoạt động vận chuyển, Thành phố cần ngừng phân biệt các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt đối với nguyên liệu thô liên quan đến sản xuất và công nghiệp. Bởi vừa qua, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội gặp khó vì quy định hàng thiết yếu mới được ra đường.

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất tiếp tục hỗ trợ thủ tục cho các doanh nghiệp, doanh nhân làm việc cũng như hoạt động sản xuất; thực hiện lệnh tạm ngừng hoạt động với thời gian ngắn đối với doanh nghiệp có F0.

Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc (KoCham) cũng kiến nghị có chính sách vận tải rõ ràng giữa các sản phẩm nguyên liệu; xác định cụ thể thời gian dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh/thành; miễn đóng các khoản bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh giãn cách.

Riêng Hiệp hội doanh nghiệp Singapore (SBG) đề xuất miễn giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp, thống nhất tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệm Covid-19 và thời gian xét nghiệm giữa TP.HCM và tất cả các tỉnh, thành; có quy trình công nhận rõ ràng đối với chứng chỉ tiêm chủng của các quốc gia khác nhau.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất của doanh nghiệp, Đại diện UBND TP.HCM, cho biết: TP.HCM đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Là một đô thị đặc biệt, quy mô kinh tế lớn, dân số đông nên dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo dự báo vào đầu tháng 8 của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 thành phố có khả năng âm thay vì dương như năm 2020. Rất nhiều chỉ tiêu khác để cấu thành GRDP cũng khó đạt được kế hoạch đặt ra. Tất cả các ngành kinh tế, từ công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ và sản xuất nông nghiệp đều chịu ảnh hưởng mạnh và có chiều hướng giảm sâu so với cùng kỳ.

Để chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, TP.HCM đã thành lập các tổ công tác đặc biệt từ khi dịch bệnh bùng phát. Thông qua đó, các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang được tháo gỡ nhanh nhất theo thẩm quyền của Thành phố.

Đối với những kiến nghị vượt thẩm quyền, TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ. Theo đó, Thành phố đã đưa ra 4 phướng án để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp khi mở cửa trở lại.

Cụ thể, phương án 1: các doanh nghiệp vẫn tiếp tục áp dụng "3 tại chỗ" nhưng tùy theo tình hình để có điều chỉnh phù hợp; phương án 2: doanh nghiệp có thể áp dụng 1 cung đường 2 điểm đến, hoặc phương án 1 cung đường 3 đến 4 điểm đến (mở rộng); phương án 3: 4 xanh (người lao động xanh, cung đường xanh, nơi ở xanh, nhà máy xanh); cuối cùng là kết hợp các phương án nêu trên và có thể nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, TP.HCM cho phép doanh nghiệp FDI nói riêng và doanh nghiệp thành phố nói chung được sáng tạo các phương án khác, ứng dụng linh hoạt các biện pháp miễn sao phù hợp với doanh nghiệp và bảo vệ được sức khỏe người lao động, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất an toàn.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng, TP.HCM đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho các công nhân, người lao động. Hiện nay, có 85% người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã được tiêm vaccine mũi 1. Sắp tới, thành phố cũng đã có kế hoạch chuẩn bị tiêm mũi 2 cho số 85% cho lao động tiêm lần 1 và tiêm 15% cho công nhân chưa tiêm mũi 1.

Mai Anh