Tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện nhiều chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ

13:54 20/06/2021

Với mục tiêu đưa ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc những năm qua đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp CNHT hoạt động.

Xác định phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng giúp tăng khả năng thu hút đầu tư, đưa Vĩnh Phúc sớm hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ôtô, xe máy lớn và là tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

  Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhận được nhiều ưu đãi.

Điển hình là Nghị quyết số 57/2016 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 39/2017 của UBND tỉnh quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND của tỉnh về ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển CNHT tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, với Quyết định 23/2019 tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia phát triển CNHT. Cụ thể như, hỗ trợ 100% các khoản chi phí tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp CNHT, hỗ trợ 70% các khoản phí tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực CNHT; tổ chức hội chợ triển lãm kết nối CNHT; hỗ trợ 70% chi phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT.

Nhờ liên tục đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực CNHT, đến nay toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 240 doanh nghiệp CNHT hoạt động. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn trên thế giới. Nổi bật trong số đó là Công ty TNHH Jahwa Vina (Khu công nghiệp Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc), đây là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất linh kiện điện tử phục vụ sản xuất điện thoại di động, máy tính, tivi, tủ lạnh, điều hóa, máy in, ôtô… Sau 13 năm đi vào hoạt động, nhờ không ngừng đầu tư dây chuyển sản xuất, hiện đại hóa công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện Jahwa Vina đã trở thành doanh nghiệp CNHT uy tín cho hãng điện thoại Samsung và một số tập đoàn nước ngoài lớn tại Việt Nam.

Đại diện của Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho biết, các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn thời gian qua không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương mà còn góp phần quan trọng vào tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương phát triển cũng như tăng sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư của tỉnh. Mặc dù ngành CNHT của Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả bước đầu, song theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT trên địa bàn là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng nghĩa với đó số doanh nghiệp nội địa tham gia vào lĩnh vực CNHT rất ít, nếu có thì cũng chỉ sản xuất được những chủng loại mặt hàng đơn giản, khả năng cạnh tranh thấp và khó tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để khắc phục hạn chế này, đồng thời thu hút thêm các doanh nghiệp trong nước tham gia vào lĩnh vực CNHT, tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục xây dựng các chính sách đặc thù, tạo môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực CNHT, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn, sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, tạo động lực mới đưa nền công nghiệp và kinh tế của tỉnh phát triển.

Trung Hiếu