TS Nguyễn Ngọc Thạch - Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III
PV: Thưa TS Nguyễn Ngọc Thạch, căn nguyên từ đâu mà anh bén duyên và có niềm đam mê đối với việc nghiên cứu các vấn đề về phong thủy, vũ trụ?
TS Nguyễn Ngọc Thạch: Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã có niềm đam mê nghiên cứu toán học, trong đó nhiều thắc mắc nhất thường dành cho đề tài mối quan hệ giữa vũ trụ và con người. Sau đó ra ngoài đời làm việc, tôi rất may mắn được vào công tác phía Nam, một vùng sông nước mênh mông, thủy triều lên xuống đều đặn, người dân sống rất thoải mái, nhẹ nhàng, gần gũi thiên nhiên. Được đi đây đó, tiếp xúc với rất nhiều người khắp mọi miền đất nước, tôi thấy có những người thành công và có những người thất bại, bên cạnh niềm hạnh phúc là sự khổ đau. Từ đó, tôi suy nghĩ và quyết tâm phải tìm ra nguyên nhân. Nguyên nhân chính, theo tôi xuất phát từ những niềm tin và mọi người đi theo niềm tin đó với những nhận thức hết sức sai lệch về bản thân và xã hội, điển hình là những tư tưởng chủ đạo cho cuộc sống tương lai, nhưng chúng ta tin một cách hết sức vô căn cứ, thậm chí là mù quáng. Ví dụ như câu sấm truyền: “Dần - Thân - Tỵ - Hợi tứ hành xung”; “Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một”; hoặc “Mùng 5-18-23, đi chơi còn lỗ nghĩa là đi buôn…” được chúng ta vận dụng hàng ngày trong cuộc sống mà chẳng biết từ đâu mà ra nhưng cứ làm theo, khi thất bại mới ngã ngửa người hóa ra nguyên nhân là do chủ quan, do tin những điều vô căn cứ đó. Suy ra tận cùng, về mặt lý luận, căn nguyên của nó xuất phát từ Bảng Lục thập Hoa giáp, trong đó mỗi người được quy về như một viên gạch để xây nhà, được gắn cho một đặc tính gọi là bản mạng, sau đó thợ xây xếp như thế nào là do họ, nhưng ngay từ viên gạch cơ bản đó đã định sai rồi, thì việc kiến trúc sư hay thợ xây có xếp ra sao cũng trở thành vô nghĩa, và hậu quả lộn xộn trong cuộc sống là hiển nhiên. Nhiều người phát hiện ra cái sai đó của Bảng Lục thập Hoa giáp nhưng không chứng minh được tại sao nó sai, do vậy nói không ai nghe.
Trong HSLH&TCHG, chúng tôi đã vận dụng kiến thức thực tế của quê hương Việt Nam, của nền văn minh lúa nước, kết hợp với tư tưởng triết học được tiếp thu bài bản ở phương Tây để chứng minh và giải quyết gốc rễ của vấn đề tư duy luận trong Bảng Lục thập Hoa giáp. Trong cuộc sống cái cần thì nên có, nhưng có khi nhiều cái chúng ta có thì lại không cần. Do vậy sẽ xảy ra hai hiện trạng rất cực đoan, đó là cái gì chúng ta cũng tin, hoặc chúng ta chẳng tin thứ gì cả. Hiện trạng này dẫn đến kết quả chúng ta khó có được thành công. Xuất phát từ cuộc sống thực tiễn, chúng tôi muốn tạo ra một sản phẩm của người Việt để khẳng định lại nguồn gốc văn hóa của mình- Một bộ công cụ phục vụ cuộc sống hàng ngày, để chúng ta tự tin hơn, bản lĩnh hơn và sẽ có nhiều điều kiện thành công hơn.
PV: Công trình HSLH&TCHG được giới chuyên môn đánh giá là nền tảng cho phong thủy thời đại mới tới hàng nghìn năm sau, đã giải đáp một trong những vấn đề chưa có lời giải về quan hệ diệu kỳ giữa vụ trụ và số phận con người. Xin TS lý giải khái quát về vấn đề này?
TS Nguyễn Ngọc Thạch: Công trình HSL&HTCHG giải quyết được những vấn đề rất quan trọng và có thể nói là rất nghiêm trọng trong khoa học cũng như trong cuộc sống về căn nguyên sai lệch trong tư duy luận của con người. Đó là việc chúng ta sử dụng tiên đề nhưng không xác định rõ đường biên, trong đó nó còn đúng. Bởi do không hiểu rõ nguyên nhân sai của Bảng Lục thập Hoa giáp nên chúng ta tin một cách không có căn cứ về bản mạng của mình. Ví dụ như người sinh năm này thì tuổi này và bản mạng là như thế này, sinh năm khác là bản mạng khác và tuổi khác… mà chẳng ai biết là xuất phát từ đâu ra. Một điều hiển nhiên ai cũng thấy, làm gì có ngày tốt, giờ tốt, ngày xấu, giờ xấu đồng thời cho tất cả mọi người nhưng chúng ta vẫn tin. Trong thực thế phải chuyên biệt ra nhưng chúng ta cũng chẳng biết cơ sở đó nằm ở đâu. Từ đó sinh ra chuyện trong tục ngữ, ca dao, dân ca có câu kết luận rất nổi tiếng “thầy bói, thầy đồng, thầy cúng, nghe 3 thầy đó cọng lông chẳng còn”, tuy nhiên kết luận này cũng không phải lúc nào cũng đúng. Cùng đó, khi chúng ta làm nhà, cưới vợ, những chuyện rất quan trọng, hệ trọng của cuộc đời. Bất kể từ người lớn, người bé đều phải đi hỏi người khác, tự mình không thể giải quyết được. Những chuyện đó chỉ được giải quyết khi trả lời được câu hỏi người sinh năm này, bản mạng như thế nào và theo nguyên lý nào. Lời giải trước tiên và cơ bản phải theo nguyên lý thuận tự nhiên, và nguyên lý “Dung thông vô ngại”. Có những điều chúng ta thấy hiển nhiên hàng ngày nhưng vẫn không tin. Như năm 2017 là năm Đinh Dậu và trước đó 2016 là năm Bính Thân, mưa suốt từ đầu năm tới cuối năm, mưa mọi nơi, nhưng nói là năm thủy thì không ai tin bởi vì trong sách cũ viết là năm có bản mạng là hành hỏa nên tin ngay. Điều này lý giải tại sao chúng ta không tin vào bản thân mình là có cơ sở.
PV: Là “Kiến trúc sư” của niềm tin, TS đã chứng minh cơ sở của niềm tin trong công trinh HSLH&TCHG như thế nào?
TS Nguyễn Ngọc Thạch: Niềm tin là một trong những khía cạnh rất quan trọng, muốn làm được điều đó trước tiên phải có cơ sở lý luận. Nhưng trước nhất của lý luận là những đúc kết thực tiễn cuộc sống của các bậc Tiền nhân được lưu truyền trong tục ngữ, ca dao, dân ca, những câu đúc kết của sự thật. Tôi vẫn nhớ như in câu: “ Phật tiên xưa cũng phàm trần, tỉnh làm tiên Phật, mê làm chúng sinh”; hoặc câu “ Phật là chúng sinh đã giác ngộ, chúng sinh là Phật đang giác ngộ”. Thái cực Hoa giáp (TCHG) bản chất là một trong những phương pháp dự báo theo nguyên lý thuận tự nhiên của đạo Phật. Chúng tôi đã vận dụng truyền thống niềm tin của con người vào thuyết âm dương ngũ hành để triển khai TCHG vào cuộc sống. Đáng lưu ý, tư duy chính của chúng ta hiện nay kể cả trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là tư duy dạng vi phân pháp - Chia nhỏ sau đó cộng lại. Lý luận dung sai thái cực của tác giả đã chỉ ra cái sai của tư duy dạng Vi phân pháp, đã chỉ ra tiệm cận giữa sự thật và phương tiện mà chúng ta dùng để mô tả và chuyển tải sự thật đó tới người khác, lời nói và chữ viết là một trong những phương tiện như vậy. TCHG cho chúng ta phương pháp để tiết kiệm thời gian trong cuộc sống vì chúng ta đi đúng hướng . Định hướng sai và đi theo định hướng sai sẽ mất rất nhiều thời gian. TCHG cho ta câu trả lời nên hay không nên, nên sử dụng thời gian như thế nào, nên làm nghề gì, nên kết hợp với ai trong lao động nhóm để bền vững và hiệu quả, nên xử lý vấn đề cuộc sống không may mắn đã an bài như thế nào để đạt được tính chân thiện mỹ, và điều quan trọng nhất, đáp án luôn gắn liền với bản mạng của mỗi người, không còn chung chung, võ đoán. Tóm lại, TCHG tạo ra một công cụ, một cơ hội để chúng ta khai phá chính bản thân, tiết kiệm thời gian, đạt mục tiêu: Khi cần là có. Hãy tin vào chính bản thân, trở thành “thầy của chính mình” bởi bản thân mỗi người là một kho tàng rất lớn, cần phải khai phá.
PV: Xin TS cho biết, TCHG có những điểm khác biệt nào với những phương pháp dự báo khác?
TS Nguyễn Ngọc Thạch: Dự báo theo TCHG rất nhanh nhạy, chỉ cần bàn tay tái của chúng ta với quy tắc định sẵn, hoặc một tờ lịch vạn niên và với quy tắc được viết trên ngón tay, mọi người hoàn toàn có thể xác định được điều gì, khả năng gì sẽ xảy ra với bản thân ngay tại thời điểm hiện tại. Nguyên lý dự báo của TCHP thuộc tầm nguyên lý của phương pháp tư duy luận, do vậy phạm vi hoạt động rất rộng, kể cả đời sống riêng tư cũng như công việc xã hội, sắp xếp kế hoạch làm việc cho cơ quan, tổ chức, quốc gia, dân tộc, dòng họ, gia đình... Kết quả dự báo của TCHG rất cao, có thể đạt tới độ chính xác từ 47 đến 80%, tùy thuộc vào năng lực tâm thân của mỗi người.
PV: Thưa TS, công trình HSLH&TCHG có phải là cầu nối giữa văn hóa Đông - Tây?
TS Nguyễn Ngọc Thạch: Chính xác là như vậy. Sản phẩm của nền văn hóa phương Tây là khoa học phân tích, của phương Đông là khoa học tổng hợp. Trong công trình HSLH&TCHG, chúng tôi đã chỉ ra rằng, nền tảng của mọi khoa học, trong đó có Đông và Tây đều là tiên đề. Trong đó tiên đề là cái mà chúng ta tin nhưng không chứng minh. Ví dụ, trong khoa học tổng hợp của phương Đông là có “ma”, có “luân hồi nhân quả “, trong khoa học phân tích của phương Tây như tiên đề ƠClit “ Trong mặt phẳng qua 2 điểm chỉ vẽ được một đường thẳng và chỉ một mà thôi”. Hoặc như trong số học: 1 + 1 = 2; hoặc A + B = B + A. Bản chất của tiên đề là tin mà không chứng minh, do vậy có thể nói bản chất của khoa học là niềm tin. Từ đó có thể khẳng định được khoa học Đông - Tây càng ngày càng xích lại gần nhau hơn, càng ngày càng trở thành thống nhất là một quy luật khách quan. Thái cực Hoa giáp chỉ là một trong những nhịp cầu nhỏ nối hai nền văn minh đó mà thôi.Trong công trình này, chúng tôi đã thành công trong việc sử dụng những thành quả trong khoa học phân tích để viết về những kết luận của khoa học tổng hợp, ngược lại khoa học tổng hợp được lượng hóa bằng những phương pháp, biện pháp của khoa học phân tích, từ đó chúng ta có một bức tranh thân thiện, tin tưởng giữa các nền văn minh một các tự nhiên, chính xác và không cưỡng cầu.
PV: Việc nghiên cứu triển khai ứng dụng dự báo trong thực tế công trình HSLH&TCHG được thực hiện thế nào, thưa TS?
TS Nguyễn Ngọc Thạch: Bộ công cụ ứng dụng mà chúng tôi soạn ra dựa trên công trình Hằng số luân hồi có 5 loại. Công cụ thứ nhất là lịch phong thủy, đã được viết, truyền tải trên nền điện thoại thông minh và người sử dụng có thể tải về điện thọai của mình từ 2 kho hàng là CH Play đối với hệ điều hành Androi (Samsung, Oppo, Sony…) và từ kho APP đối với điện thoại có hệ điều hành IOS (Iphone, Ipad…). Khi bấm vào năm thì xem được tháng tốt, xấu riêng biệt cho mình; bấm vào tháng thì xem được ngày chuyên biệt và bấm vào ngày thì xem được giờ đẹp, xấu cho mình. Tuy nhiên, hành động theo khuyến cáo của lịch phong thủy hay không là do bạn tự quyết định. Tức là ứng dụng chuyên biệt cho từng người, không chung chung và được chuyển tải trên một phương tiện rất phổ biến, mỗi người có thể xem bất cứ lúc nào, không phụ thuộc vào ai cả.
Công cụ thứ 2 là dụng cụ định vị phương hướng. Từ xưa đến nay, khi đi xem nhà, chọn đất làm nhà, mọi người phải đi hỏi thầy, mà thực ra tìm được thầy giỏi rất hiếm, rất mất thời gian. Vậy nên, bản thân mỗi người phải tự làm thầy cho mình. Tôi đã soạn ra công cụ thực hiện điều này. Chỉ cần xoay cho đúng hướng cần tìm là có thể biết cho mình, cho mọi người ra sao. Công cụ thứ 3 là quy tắc bàn tay trái tìm bản mạng. Kết luận của cả công trình này được chuyển tải vào bàn tay, do vậy có thể bấm bàn tay là có thể dự báo được mà không cần tới điện thoại, sách vở. Bất cứ lúc nào bấm cũng có thể biết ngày này, giờ này đối với mình ra làm sao (Vũ trụ trong lòng bàn tay, hay thường gọi là bấm độn). Đặc biệt đối với lịch vạn niên, hiện giờ mọi người mới chỉ sử dụng được một nửa, tức chức năng thông báo. Còn chức năng dự báo của lịch vạn niên phải nhờ vào quy tắc bàn tay trái sẽ lần ra. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, mỗi người lướt qua là biết ngày hôm nay sẽ ra làm sao, khả năng sẽ như thế nào để bản thân tạm thời ổn định kế hoạch sử dụng thời gian hoàn toàn nắm thế chủ động. Vào những ngày xấu, mọi người vẫn bình thường nhưng hãy cẩn trọng, lưu ý hơn, chọn phương án hành vi của mình hợp lý hơn. Vì như tôi nói, dù tin hay không tin thì một ngày mỗi người cũng chỉ có 24h đồng hồ, chỉ khác nhau ở thành quả đạt được của mỗi người qua một ngày hành động mà thôi. Công cụ thứ tư là bức tranh định vị phong thủy, chỉ cho từng người cả cuộc đời nên hành động thế nào để hóa giải khó khăn để đạt được thành công. Đối với các nhà nghiên cứu, HSLH&TCHG là một bộ cẩm nang giá trị, vì được viết trên ngôn ngữ toán học, logic toán học. Khi chúng tôi đã có thể chuyển tải kết quả nghiên cứu được ghi trong quyển sách này thành quy tắc trong bàn tay và ngược lại có thể chuyển tải kết quả tính toán trên bàn tay tương đồng với kết quả có thể tra trong quyển sách thì tôi tin tưởng hoàn toàn vào sự chuẩn xác của công trình nghiên cứu. Thậm chí có thể thấy cái sai, cái bất hợp lý của Bảng Lục thập Hoa giáp theo nguyên lý thuận tự nhiên hiển hiện ngay trong quy tắc bàn tay trái này luôn. Do vậy, vấn đề còn lại là thời gian và mỗi người chúng ta vận dụng như thế nào trong cuộc sống mà thôi.
Vợ chồng TS Nguyễn Ngọc Thạch
PV: Trong cuộc sống, bản thân TS luôn thể hiện mình ở 3 thái cực khác nhau: Đến cơ quan là một lãnh đạo điều hành hoạt động; ở các diễn đàn, hội thảo là một nhà khoa học; còn lúc thư thái là một nghệ sỹ lãng mạn, bay bổng, cháy hết mình với cây đàn ghita. Vậy cái gọi là “3 trong 1” trong con người của TS đã được “thẩm thấu” từ những cơ sở khoa học của HSLH&TCHG?
TS Nguyễn Ngọc Thạch: Nếu coi mỗi người là một vũ trụ thu nhỏ, được gọi là một Thái cực, thì như tôi đã từng định nghĩa Thái cực trong công trình HSLH&TCHG như sau: “Thái cực là một cái tên gọi dùng để chỉ thực tại khác quan tự thân viên mãn mà con người biết được là do cảm giác, cảm giác chép lại, chụp lại, phản ánh lại thực tại khác quan đó, nhưng nó không phụ thuộc vào cảm giác”.
Do đó, từ xa xưa, quan điểm của tôi về con người khá nhất quán. Thứ nhất, chúng ta là như nhau về mọi phương diện tư duy luận do vậy chúng ta luôn là bạn, luôn có thể trở thành bạn thân. Thứ hai, chúng ta hiểu biết rất ít về nhau do vậy lúc nào cũng phải thận trọng khi nhận xết đánh giá về người khác. Thứ ba, giá trị của một con người luôn nằm ở giá trị sử dụng của người đó khi người khác cần và khi mình cần, do vậy luôn phải làm cho kho tàng giá trị sử dụng đó của mình ngày càng đầy thêm. Cuối cùng, ai cũng sẽ có ngày sau chót trên trần gian, nên cần quý trọng cuộc sống của mình và của người khác ngay từ lúc này, ngày này, tháng này, năm này kể cả trong suy nghĩ và hành động.
Xuất phát từ quan điểm đó, nên hành vi của tôi cũng luôn nhất quán. Ở cơ quan, tôi cố gắng tạo mọi điều kiện để cho người khác cống hiến tài năng, sức lực, trí tuệ của họ cho công việc. Ở các diễn đàn khoa học, mọi người đang muốn nghe những cái người ta cần mà mình có, do vậy gọi mình là gì cũng được, nhưng khi cần là có. Khi ngồi một mình, hoặc cùng bạn bè đồng cảm, tại sao không cùng cháy bỏng vươn tới cái đẹp trong âm nhạc và văn học nhỉ? Trong thế gian này, chỉ có âm nhạc và văn học là cứu cánh của tâm hồn, có người đã phát biểu như vậy, và tôi tin điều đó là sự thật.
Theo tôi, dù thể hiện ở bao nhiêu thái cực thì tất cả cũng chỉ trong một thôi: Con người tự thân viên mãn, ai cũng có thể trở thành bất tử, vô giá nếu chúng ta tin như vậy và chúng ta luôn phấn đấu đi theo hướng đi như vậy mà TCHG là một trong những công cụ hữu ích.
PV: Xin trân trọng cám ơn TS!
Trí Kiên (thực hiện)