Đoan Môn trong Hoàng thành Thăng Long
Theo các chuyên gia, khó khăn phức tạp nhất của Dự án là di chuyển tòa nhà độ sộ, dạng biệt thự 2 tầng do người Pháp xây dựng năm 1897, đến nay đã 121 năm. Tòa nhà dài 54 m, rộng 17m, cao 14m; tường gạch, móng cũng bằng gạch, không có bê tông và hiện là Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Theo Dự án, tòa nhà trên sẽ được di chuyển trên đoạn đường dài, theo hình chữ Z, đến vị trí mới xoay hướng 900. Để đảm bảo ngôi nhà không bị rạn nứt, gãy vỡ và vẫn giữ nguyên được toàn bộ kiến trúc di sản thế giới kiểu Pháp là vô cùng phức tạp về mặt khoa học và công nghệ.Việc di dời tòa nhà khổng lồ trong điều kiện như vậy, ở Việt Nam chắc chắn người ta nghĩ tới ThS. Đỗ Quốc Khánh - Người được mệnh danh là “Thần đèn xứ Bắc”; “Thần đèn đất Thăng Long”. Ông là thành viên duy nhất của Đông Nam Á trong Hiệp hội Di dời Quốc tế. Tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 2, Hiệp hội Những Người Lao động Sáng tạo Việt Nam, vị “Thần đèn” này đã được bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội (nhiệm kỳ 2018-2023) với số phiếu tín nhiệm cao nhất.
Th.S Đỗ Quốc Khánh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Ông có 10 năm học và làm việc về điều khiển học tại Cộng hòa Czech. Năm 1984, ông về nước và bất ngờ trở thành kỹ sư xây dựng làm việc ở Viện Khoa học Công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng chuyên về nền móng và lún. Năm 1992, nhận lời mời của Trung tâm nền móng Đại học Xây dựng, ông đã về đây làm việc gần 10 năm. Năm 2003, ông thành lập Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Việt Nam, chính thức tuyên bố khai sinh một nghề mới ở nước ta.
Tòa nhà 2 tầng sẽ được di dời
Lâu nay, qua báo chí, đông đảo nhân dân cả nước đã biết đến ông từng chỉ huy di dời, chuyển hướng, chống lún nghiêng nhiều công trình khổng lồ như huyền thoại “Aladin và cây đèn thần”. Ông đã xác lập “Kỷ lục Thế giới” về thành tích di dời công trình nặng nhất thế giới (3 nghìn tấn) năm 2008; được các hãng báo chí danh tiếng nhất thế giới đặc biệt là Mỹ cho là "hiện tượng lạ của thế giới". Xin dẫn chứng một số công trình của “Thần đèn” Đỗ Quốc Khánh:
Dựng thẳng công trình nhà bị nghiêng gấp 8 lần so với tháp Pisa ở Hòa Bình; Năm 2008, di dời tòa nhà 2 tầng tại Khu công nghệ cao Láng - Hoà Lạc nặng 3.000 tấn (với 88 cột, rộng 32 m, dài 65 m) đi xa 50m trong thời gian chưa đầy 36 giờ đồng hồ; Di dời nhà 2 tầng Đài Phát thanh huyện Xuân Trường (Nam Định) 650 tấn, đồng thời thực hiện xoay 180 độ; Nâng cao tiền sảnh Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội) lên 1,08m; Nâng biệt thự 4 tầng lên cao 2,63m và xây luồn thêm 1 tầng bên dưới thành 5 tầng; Di dời tượng đài “Tiếng trống năm 30” ở ngã ba Tiền Hải – Thái Bình; Di dời Sở chỉ huy quân sự tỉnh Đăk Lăk với hai đơn nguyên dính nhau mà không cần tách rời (dài 56 m). Chỉ riêng năm ngoái (2017), ông đã chỉ huy Công ty Xử lý Lún nghiêng Việt Nam hoàn thành 6 công trình văn hóa tâm linh, trong đó ấn tượng nhất là việc di dời xa hơn 500 m, leo núi với độ dốc gần 46% và đặt Tượng Đức Ông (tại Đền Cửa Ông, Quảng Ninh) nặng trên 40 tấn lên đỉnh đồi ở độ cao 62 m so với mực nước biển v.v.
Ths. Đỗ Quốc Khánh giới thiệu phương án di dời Tượng Đức Ông (Quảng Ninh) lên đồi cao -
Công trình đã thực hiện thành công cuối năm 2017
Ông đã được nhận nhiều giải thưởng danh giá trong nước và Quốc tế: Giải Ba - Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Việt Nam VIFOTEC; Giải Đặc biệt VIFOTEC - năm 2008; Giải Công trình di dời nặng nhất thế giới năm 2009, của Hiệp hội Di dời nhà Quốc tế; Giải Nhất VIFOTEC năm 2013… và nhiều giải thưởng sáng tạo khác.
Ở Việt Nam có rất nhiều người được tôn vinh là “thần đèn” nhưng cùng một lúc vừa là nhà khoa học vừa là “Thần đèn” thì điều chắc chắn là chỉ có ThS. Đỗ Quốc Khánh. Chúng ta hãy chờ đợi ông cùng các cộng sự của mình sẽ di dời thành công ngoạn mục tòa nhà di sản thế giới trong khu đặc biệt nhạy cảm về quân sự cũng như tâm linh phong thủy của hơn 1.150 năm ngay giữa lòng Thủ đô. Đây chắc chắn không phải chỉ là sự kiện hiếm có ở Việt Nam mà còn là câu chuyện mang tầm cỡ thế giới.
Minh Cao