Sáng ngày 6/9, ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã có chuyến kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3 tại huyện Thái Thụy. Đây là cơn bão rất mạnh với phạm vi ảnh hưởng rộng, có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thái Bình.
Theo báo cáo của huyện Thái Thụy, tính đến 7 giờ ngày 6/9, trên địa bàn huyện có 494 phương tiện với 1.797 lao động đang hoạt động trên biển. Đến thời điểm hiện tại, tất cả phương tiện này đều liên lạc được với gia đình và không có phương tiện nào hoạt động ở vùng nguy hiểm. Trong số đó, 448 phương tiện với 1.778 lao động đã neo đậu an toàn tại các bến. Tuy nhiên, vẫn còn 6 phương tiện với 19 lao động đang hoạt động và 8 phương tiện với 48 lao động từ tỉnh ngoài đang neo đậu tại địa bàn huyện.
Tại khu vực cửa biển, hơn 10 phương tiện của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đang neo đậu, bao gồm sà lan và tàu hút. Tổng số lao động trên các chòi ngao và cát là 169 người với 179 chòi; trong đó, 134 lao động đã được đưa vào bờ an toàn. Huyện cũng đã di dời 591/1.183 người dân sinh sống ngoài đê chính đến nơi trú tránh an toàn, đồng thời di dời nội bộ 2.133 người là phụ nữ, người già, và trẻ em sống trong đê chính đến nhà người thân trong khu vực.
Sau khi trực tiếp kiểm tra tại Khu Công nghiệp Liên Hà Thái, khu neo đậu cảng xăng dầu Hải Hà và cảng cá Tân Sơn, ông Ngô Đông Hải đã ghi nhận sự chủ động ứng phó tích cực của các sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đồng chí nhấn mạnh tinh thần khẩn trương, quyết liệt trong việc bám sát và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về công tác phòng, chống bão số 3.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Thái Thụy huy động tổng lực, tập trung cao độ trong việc ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, huyện cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng ứng trực, bảo đảm duy trì nghiêm chế độ trực và sẵn sàng các phương tiện, lực lượng để xử trí kịp thời khi có yêu cầu. Bí thư nhấn mạnh, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người, và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Ông Ngô Đông Hải yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ vật tư, phương tiện và con người để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khi bão đổ bộ. Đặc biệt, cần tập trung kiểm đếm và sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu. Đồng thời, cần có phương án ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố trong và sau bão.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu huyện Thái Thụy tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị và người dân về phòng, chống bão. Các hoạt động tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, liên tục trên hệ thống truyền thanh và thông qua các phương tiện lưu động. Bên cạnh đó, huyện cần phối hợp với ngành nông nghiệp kiểm tra, rà soát các phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, nếu phát hiện các công trình không bảo đảm an toàn, phải huy động lực lượng, phương tiện và vật tư để xử lý ngay.
Ông Ngô Đông Hải cũng ghi nhận sự tích cực của nhà đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Liên Hà Thái - Công ty Cổ phần Green i-Park trong công tác ứng phó với bão số 3. Ông Hải đề nghị đơn vị phối hợp chặt chẽ với huyện Thái Thụy trong việc tuyên truyền, hướng dẫn các nhà đầu tư thứ cấp tại khu công nghiệp thực hiện các biện pháp phòng, chống bão. Đồng thời, tạm dừng mọi hoạt động xây dựng và sản xuất trong khu công nghiệp để đảm bảo an toàn cho cán bộ, công nhân viên. Đơn vị cũng cần có phương án bố trí nơi tránh trú an toàn cho người dân trong khu vực khi có tình huống xấu xảy ra.
Đối với các phương tiện thủy của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đang neo đậu tại cảng xăng dầu Hải Hà, do điều kiện mực nước thấp không thể di dời vào nơi tránh trú an toàn, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo huyện Thái Thụy phối hợp với các đơn vị liên quan, khẩn trương huy động lực lượng gia cố các phương tiện ngay tại cảng. Huyện Thái Thụy cũng được giao nhiệm vụ cấp kinh phí từ nguồn phòng chống thiên tai để bổ sung trang thiết bị phục vụ chằng buộc và gia cố phương tiện. Ngoài ra, cần nghiên cứu phương án bơm nước vào các khoang chứa dầu của tàu để giảm rung lắc và va đập khi bão đổ bộ. Đồng thời, phân công lực lượng ứng trực tại khu vực cảng xăng dầu để kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp khi bão đổ bộ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7 giờ sáng 6/9, vị trí tâm siêu bão Yagi ở vào khoảng 19,2 độ vĩ bắc; 112,3 độ kinh đông, trên vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160 km về phía đông đông nam; cách Quảng Ninh khoảng 600 km về phía đông đông nam.
Theo dự báo, tối cùng ngày siêu bão sẽ đổ bộ vào đảo Hải Nam và giảm khoảng 3 cấp rồi đi vào vịnh Bắc bộ.
Đến 7h ngày 7/9, tâm siêu bão Yagi ở vào khoảng 20,6 độ vĩ bắc; 108,3 độ kinh đông, cách Quảng Ninh khoảng 120 km về phía đông đông nam. Bão mạnh cấp 13, giật cấp 16 và đổ bộ vào khu vực đất liền từ Quảng Ninh - Nam Định rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Phúc An