Để có cái nhìn tổng thể về việc đầu tư khai thác than hầm lò bằng máy, nhóm phóng viên DNHN –DoanhnghiepNet đã khảo sát thực tế tại các mỏ, phỏng vấn các chuyên gia trong nước và nước ngoài; phỏng vấn công nhân. Dưới đây là một số ghi nhận.
Dàn CGHĐB mới đầu tư tại Công ty Than Quang Hanh -TKV
Máy khấu than tại lò chợ
Bài 1: THAN KHE CHÀM – ĐƠN VỊ ĐẦU TIÊN KHAI THÁC THAN BẰNG MÁY THÀNH CÔNG
Chủ trương đúng
Thuật ngữ hầm lò gọi công nghệ khai thác than bằng máy là “Cơ giới hóa đồng bộ”, gọi tắt là CGHĐB. Có thể mô phỏng vắn tắt thế này: Lò chợ là nơi khai thác than trong hầm lò, bám theo đường hướng dốc của vỉa than. Trước đây, việc chống giữ lò chợ bằng gỗ, sau này chống giữ bằng cột chống thủy lực rồi dàn chống thủy lực v.v. Việc phá than bằng khoan nổ mìn. Than vỡ ra được vận chuyển bằng máng trượt hoặc máng cào. Công nghệ CGHĐB thay thế toàn bộ các khâu của công nghệ truyền thống. Tức là, việc phá than bằng đầu máy khấu, trên đó gắn các dao cắt; đi kèm với máy khấu là dàn chống thủy lực, hệ thống vận tải than v.v. rất hiện đại.
Trước hết, chúng tôi khẳng định, nhu cầu sản lượng than hầm lò ngày càng cao; diện khai thác ngày càng xuống sâu, áp lực lớn; việc tuyển dụng lao động ngày càng khó... Trong điều kiện ấy, đẩy mạnh cơ giới hóa hầm lò nói chung và khai thác than hầm lò bằng máy, nói riêng, để tăng năng suất, giảm cường độ lao động, đảm bảo an toàn cho công nhân cùng nhiều tính ưu việt là chủ trương đúng đắn của Tập đoàn TKV.
Khi cùng chúng tôi xuống lò Khe Chàm III thuộc Công ty than Khe Chàm - nơi vừa lắp đặt xong dàn CGHĐB, ông OGaWa, chuyên gia Nhật Bản cho hay, bên Nhật và một số nước trên thế giới đều áp dụng công nghệ này, năng suất cao và an toàn lắm. Các chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại lò chợ này cũng cho biết, ở Trung Quốc, điều kiện địa chất cũng phức tạp nhưng họ áp dụng công nghệ này rất hiệu quả. TS. Trần Tú Ba, Viện trưởng Viện KHCNM chia sẻ, ông đã được đi nhiều mỏ than hầm lò trên thế giới. Hầu hết các nước đều khai thác than bằng dàn CGHĐB. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, nơi có điều kiện địa chất gần giống với Việt Nam, hiện nay có tới 75 % sản lượng than khai thác bằng máy và Trung Quốc đang phấn đấu đạt 95% sản lượng than khai thác bằng máy.
Thực tế ở TKV, tại một số đơn vị như Khe Chàm, Hà Lầm, năng suất khai thác than bằng CGHĐB rất cao (sẽ nêu ở phần sau). Đặc biệt, việc khai thác than bằng CGHĐB rất an toàn. Từ khi các đơn vị áp dụng CGHĐB trong hầm lò, chưa hề xảy ra tai nạn lao động. TS. Trần Tú Ba chia sẻ tiếp, ngay cả các đơn vị áp dụng CGHĐB được cho là thành công, thời gian đầu vẫn xảy ra một số sự cố. Nhưng các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, tìm giải pháp khắc phục mới có được thành công như hôm nay. Đưa công nghệ mới vào thực tế sản xuất, bao giờ cũng khó khăn và khó tránh khỏi những bất cập. Quan trọng là từ đó rút ra kinh nghiệm để đề ra giải pháp thích hợp.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm của TS. Trần Tú Ba. Đưa công nghệ mới vào sản xuất bao giờ cũng khó khăn và không dễ thành công ngay. Ví như việc đưa giá khung di động vào lò chợ. Ngày ấy, đã có đơn vị đưa giá khung di động vào lò chợ, gặp sự cố, chôn vùi hàng chục giá trong lò khiến dư luận nghi ngờ. Bây giờ, theo TS. Đào Hồng Quảng, Phó Viện trưởng Viện KHCNM, trong Tập đoàn TKV hiện có trên 50% lò chợ áp dụng công nghệ giá khung di động và giá thủy lực di động, đạt năng suất cao. Trong giai đoạn thử nghiệm, việc áp dụng CGHĐB tại một số đơn vị hầm lò đôi khi còn gặp một số khó khăn, tồn tại là không thể tránh khỏi.
Lần đầu tiên khai thác than hầm lò bằng máy
Từ tháng 3 năm 2002, Công ty than Khe Chàm phối hợp với Viện KHCN Mỏ -Vinacomin áp dụng thử nghiệm công nghệ cơ giới hóa khai thác sử dụng máy khấu MG200-W1 kết hợp chống lò bằng giá thuỷ lực di động của Trung Quốc. Sau gần 2 tháng lắp đặt, chuyển giao công nghệ, chạy thử, đến 3/5/2002, dàn CGHĐB của Than Khe Chàm chính thức hoạt động. Năng suất những tháng đầu đạt 6 tấn/ công, sau đó tăng dần, đạt năng suất định mức 8tấn/ công. Thành công bước đầu này gắn với tên tuổi của những Chiến sĩ thi đua Toàn quốc, là các ông: Mai Văn Phượng (Giám đốc Công ty); Lê Việt Quang (Phó Giám đốc), Mai Văn Anh (Quản đốc).
Thế hệ thứ 2
Máy khấu MG200-W1 kết hợp chống lò bằng giá thuỷ lực di động của Trung Quốc nêu trên chưa đồng bộ, còn nhiều khâu thủ công nặng nhọc. Ngày 9.5.2005, Công ty Than Khe Chàm tiếp tục đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị cơ giới hoá đồng bộ mới tại lò chợ 14.2.3 cánh đông vỉa 14.2 mức âm 55 đến âm 10. Đây là công nghệ cơ giới hoá than bằng máy khấu than combai kết hợp dàn tự hành hiện đại, công suất thiết kế 300 nghìn tấn/năm. Khối lượng vật tư, thiết bị của nó khoảng 1.700 tấn, bao gồm máy khấu, máy cào, 89 bộ giàn chống thuỷ lực và hàng loạt thiết bị phục vụ khác như trạm phun sương mù dập bụi, trạm dung dịch, bàn điều khiển… Tổng mức đầu tư cho hệ thống cơ giới hoá đồng bộ này gần 51 tỷ đồng.
Ngày 16.6.2005, lò chợ CGHĐB này chính thức hoạt động. Theo đánh giá của Viện KHCN Mỏ, sản lượng và năng suất của lò chợ CGHĐB này cao hơn 1,5 - 2,5 lần so với lò chợ chống cột thủy lực đơn hoặc giá thủy lực di động. Cụ thể là công suất lò chợ đạt 380.000 tấn/năm; có năm đạt năng suất kỷ lục; năng suất lao động đạt từ 7 đến 14 tấn/công-ca, trung bình 10,5 tấn/công-ca. Công tác thu rút, lắp đặt bảo đảm an toàn, thời gian mất khoảng 1 tháng 12 ngày. Có ngày, công nhân Than Khe Chàm tháo chuyển 10 dàn. Kết quả trên là rất cao, ngang với trình độ khai thác của các nước trong khu vực và trên thế giới khi áp dụng công nghệ này.
Qua đây có thể khẳng định, công nghệ cơ giới hóa khai thác đã áp dụng thử nghiệm thành công trong điều kiện vỉa dày trung bình, dốc thoải đến nghiêng.
Thế hệ thứ 3
Ông Vũ Quang Tuyến, Phó Giám đốc Công ty than Khe Chàm cho biết, lò chợ CGHĐB thế hệ thứ 2 nêu trên cũng còn một số hạn chế như: Công suất chưa cao (so với các lò chợ CGHĐB trên thế giới); không linh hoạt khi khấu than; không khấu được các vỉa dày v.v. Vì thế, Công ty than Khe Chàm tiếp tục đầu tư dàn CGHĐB có tên là "Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ thu hồi than nóc 14-5-5". Dàn thiết bị hiện đại này được áp dụng tại Mỏ Khe Chàm III. Lò chợ CGH đồng bộ 14.5-5 có chiều dài theo phương khấu là 333m, chiều dài theo hướng dốc là 150m, chiều dày vỉa trung bình là 8m, chiều cao khấu than 2,6m. Lò chợ CGH đồng bộ 14.5-5 có trữ lượng công nghiệp 570.000 tấn, công suất thiết kế 600.000 tấn/năm. Tổng số dàn thuỷ lực di động lắp đặt trong lò là 106 giàn, 1 máy khấu than và các thiết bị kỹ thuật khác. Tổng mức đầu tư cho công trình này là 257,4 tỷ đồng.
Sau 2 tháng, công nhân Than Khe Chàm đã vận chuyển trên 2700 tấn vật tư thiết bị, trên 1000m cáp, đường ống các loại qua gần 2000 mét lò dốc từ mức -112 xuống lò chợ mức -160 và lắp đặt theo tiến độ và các tiêu chí kỹ thuật.
Với những nỗ lực này, đến ngày 30-4 vừa qua, Công ty đã hoàn tất công tác lắp đặt thiết bị tại diện sản xuất và bắt đầu đưa lò chợ CGH đồng bộ vào hoạt động từ đầu tháng 5-2016. Đến nay, tổng sản lượng của lò chợ CGH đồng bộ đã đạt 13.000 tấn và sản lượng cao nhất đạt 1.543 tấn/ngày.
Cho hay rằng, nếu lựa chọn thiết bị công nghệ phù hợp với các điều kiện của mỏ, trong đó đặc biệt là điều kiện địa chất, dàn cơ giới hóa đồng bộ khai thác than sẽ phát huy hiệu quả như ở Than Khe Chàm.
(Còn nữa)
Cao Minh