Tín chỉ carbon (tín chỉ CO2) là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2, hoặc một tấn khí nhà kính khác tương đương. Phương thức mua bán được hiểu là một công ty tạo ra 12 tấn khí thải trong khi giới hạn cho phép là 10 tấn thì có thể mua lại 2 tấn tín chỉ từ công ty tạo khí thải thấp hơn mức giới hạn. Điều này được xác nhận bởi một bên thứ ba. Mục tiêu cuối cùng của tín chỉ carbon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.
Ông Thuận cũng xác nhận mục tiêu của công ty là bán khoảng 10 triệu tấn tín chỉ carbon mỗi năm. Số lượng này là kết quả của những nỗ lực không ngừng để bền vững hóa ngành nông nghiệp, hoặc như ông mô tả, là "hạt ngọc trời" mà Lộc Trời đã triển khai trong nhiều năm qua.
Để đạt được mục tiêu này, Lộc Trời đã thực hiện các biện pháp giảm phát thải, bắt đầu từ nghiên cứu khoa học để tìm ra giải pháp và kêu gọi hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Đặc biệt, công ty chia sẻ các giải pháp này với cộng đồng nông dân, đồng thời thiết lập cơ chế chia sẻ lợi ích để họ trở thành một phần quan trọng trong việc giảm phát thải.
Theo nghiên cứu của Lộc Trời, các hoạt động làm gia tăng phát thải nhà kính trong canh tác lúa thường là những hoạt động không hiệu quả, như sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, tiêu thụ nước quá mức, và đốt cháy rơm thay vì tái chế. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã vay ngân hàng để cung cấp sản phẩm và vật tư miễn phí cho nông dân, đồng thời hướng dẫn họ sử dụng các nguyên liệu này một cách hợp lý.
Lộc Trời cũng áp dụng công nghệ để hỗ trợ nông dân trong việc phun thuốc trừ sâu, giảm lượng hóa chất dư thừa trong đất, nước và sản phẩm nông nghiệp. Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng mà còn đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Các hoạt động khác như khuyến khích thu gom rác thải sau sử dụng cũng được Lộc Trời thực hiện thông qua việc tổ chức cuộc thi, tặng vàng cho những người nông dân thu gom được nhiều nhất. Thành quả của những nỗ lực này không chỉ là 10 triệu tấn tín chỉ carbon mỗi năm, mà còn là những sản phẩm xanh có giá trị thương mại cao như hạt nhựa sinh học và tro từ xát gạo.
Ông Thuận nhấn mạnh rằng Lộc Trời không chỉ hướng tới mục tiêu kinh doanh mà còn là đối tác của ngành nông nghiệp trong việc giảm phát thải carbon đến mức 0 vào năm 2050, đồng hành cùng mục tiêu quốc gia. Ông kết luận bằng việc nhấn mạnh vai trò của ngành nông nghiệp trong việc giảm phát thải toàn cầu và cam kết hỗ trợ nỗ lực này.
Để có thể tạo ra được tín chỉ carbon và cạnh tranh được trên thị trường, các dự án phải đáp ứng theo tiêu chuẩn của các cơ chế, phải áp dụng theo đúng phương pháp luận, áp dụng biện pháp đo đạc giám sát dữ liệu theo quy định và đặc biệt phải chứng minh dự án đã giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính, có tính bổ sung, được thẩm định bởi đơn vị độc lập được cấp phép. Các doanh nghiệp phải trả chi phí cao để thuê đơn vị thẩm định.- Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Lâm Nghi