Tại sao Trung Quốc vẫn chưa chấp nhận vắc xin phương Tây

15:59 14/12/2021

Trong bối cảnh biến thể Delta tàn phá Trung Quốc những tháng hè vừa qua, một số chuyên gia y tế công cộng hy vọng nước này có thể sớm tiếp nhận và củng cố khả năng miễn dịch từ sự trợ giúp của vắc xin mRNA hiệu quả cao do BioNTech phát triển.

Sinopharm giới thiệu vắc xin Covid-19 thế hệ mới
Sinopharm giới thiệu vắc xin Covid-19 thế hệ mới. (Ảnh: internet)

Theo Fosun Pharma, đối tác Trung Quốc của BioNTech cho biết vắc xin mRNA đã thông qua đánh giá chuyên môn và tiến đến kiểm định quy trình phân phối. Fosun thậm chí còn dự định sản xuất thử nghiệm trong nước vào cuối tháng 8. Tuy nhiên 5 tháng sau vẫn chưa có thông tin từ các quan chức Trung Quốc phản hồi khi nào vắc xin sẽ được phê duyệt, ngay cả khi biến thể Omicron mới xuất hiện được tìm thấy ở Trung Quốc, tiếp tục đặt ra thách thức mới cho chiến lược Zero-Covid. 

Cơ quan y tế thành phố Thiên Tân đã phát hiện trường hợp đầu tiên mắc biến thể mới. Tính đến thời điểm hiện tại, khoa học vẫn chưa công bố ảnh hưởng của biến thể Omicron lên sức khỏe con người, hiệu quả vắc xin cũng như tốc độ và khả năng lây nhiễm. Các nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm cho thấy hai liều vắc xin BioNTech được sản xuất bởi Pfizer bên ngoài Trung Quốc có thể không đủ để chống lại chủng mới nhưng theo "gã khổng lồ" dược phẩm cho biết vào tuần trước, ba liều vắc xin có thể cải thiện khả năng miễn dịch. Bên cạnh đó, hai mũi tiêm đầu vẫn có khả năng ngăn chặn bệnh chuyển biến nặng. 

Phía Trung Quốc không công bố nghiên cứu về mức độ bảo vệ vắc xin nội địa chống lại viến thể mới mặc dù phía cơ quan nhà nước và truyền thông lên tiếng kêu gọi người dân tin tưởng vào cách làm của chính phủ. Hơn 1,1 tỷ người Trung Quốc chiếm khoảng 80% dân số, đã được tiêm chủng đầy đủ, hầu hết bằng vắc xin bất hoạt do Sinopharm và Sinovac phát triển. Thế nhưng hiệu quả thực tế thấp hơn nhiều so với mRNA, đồng thời khả năng miễn dịch của vắc xin Trung Quốc sẽ suy giảm nhanh chóng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vắc xin CoronaVac của Sinovac chỉ có hiệu quả 51% trong  ngăn ngừa bệnh có triệu chứng, trong khi Sinopharm là 79%. Mặt khác, hiệu quả của mRNA do Pfizer / BioNTech và Moderna phát triển cao tới 95%. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet chỉ ra những nhân viên y tế được tiêm đầy đủ hai mũi mRNA của BioNTech có lượng kháng thể cao gấp khoảng 10 lần so với những người tiêm vắc xin bất hoạt của Sinovac.

Rõ ràng, vắc xin Trung Quốc không đủ khả năng đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng của nước nhà là không khoan nhượng và giữ số ca mắc ở mức không trong phạm vi biên giới. Trong vài tháng qua, các nhà chức trách đã áp dụng biện pháp ngày càng nghiêm ngặt nhằm hạn chế các đợt bùng phát dịch địa phương, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày. Bất chấp nhiều nỗ lực cứng rắn, tuần trước, Trung Quốc ghi nhận hơn 130 trường hợp nhiễm bệnh ở trung tâm sản xuất và xuất khẩu của đất nước. Một số chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân không về quê vào dịp Tết Nguyên đán nhằm khống chế đường lây của vi rút. Để cải thiện khả năng miễn dịch của cộng đồng đang suy yếu, các nhà chức trách Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các mũi tiêm tăng cường nhưng lại sử dụng vắc xin bất hoạt.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vắc xin mRNA có thể tạo ra các phản ứng miễn dịch tốt hơn khi tiêm nhắc lại. Ví dụ, nghiên cứu gần đây của Anh chỉ ra vắc xin mRNA do Pfizer / BioNTech và Moderna sản xuất cung cấp mức tăng kháng thể lớn nhất khi được tiêm 10-12 tuần sau liều thứ hai. Trong khi đó, hai nghiên cứu riêng biệt từ Israel đcho thấy liều lượng tăng cường của vắc-xin Pfizer / BioNTech giảm tỷ lệ nhiễm bệnh gấp 10 lần và tỷ lệ tử vong do Covid đến 90%. Như vậy, không phải là các quan chức Trung Quốc không biết lợi ích của việc sử dụng vắc xin mRNA. Tháng trước, Zeng Guang, cựu chuyên gia dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, thừa nhận rằng "sử dụng vắc-xin mRNA hoặc vắc xin protein tái tổ hợp làm liều tăng cường cho vắc xin bất hoạt sẽ đạt được kết quả tốt hơn". Vậy tại sao chính phủ Trung Quốc vẫn chưa chấp nhận vắc xin phương Tây sau thời gian dài tiếp cận?
Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết Trung Quốc là một trong những nước đi đầu trong cuộc chạy đua vắc xin toàn cầu. Quốc gia này cũng đã gửi hàng tỷ liều ra nước ngoài như một chiến dịch đối trọng vắc xin ở các nước đang phát triển. Ông nói: "Trung Quốc phát triển vắc xin riêng cũng đồng nghĩa phô diễn tiễn bộ công nghệ quốc gia. Ngược lại, nếu chuyển sang sử dụng vắc xin do nước ngoài sản xuất có nghĩa là thừa nhận Trung Quốc không nổi bật như hình ảnh mà chính phủ xây dựng".
Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc quan tâm đến bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất vắc xin trong nước. Theo Huang: "Tôi chắc chắn rằng các nhà sản xuất vắc xin nội địa không chào đón người ngoài thâm nhập thị trường rộng lớn này". Trong khi các cơ quan quản lý Trung Quốc từ chối phê duyệt vắc xin BioNTech, các công ty trong nước đã được bật đèn xanh để bắt đầu phát triển vắc xin mRNA của riêng họ. Tháng trước, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã phê duyệt thử nghiệm đối với vắc xin mRNA được sản xuất trong nước dưới dạng tiêm nhắc lại.
Loại vắc-xin này có tên là ARCoVax được hợp tác phát triển bởi Walvax Biotechnology, Tôzhou Abogen Biosciences và Học viện Khoa học Quân y của Trung Quốc. Theo báo cáo của phương tiện truyền thông nhà nước, cơ sở sản xuất vắc xin tại tỉnh Vân Nam có khả năng sản xuất 200 triệu liều mỗi năm. Một số "gã khổng lồ" dược phẩm như Sinopharm cũng đang phát triển vắc xin mRNA. Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy các chuyên gia Trung Quốc đặt hy vọng hợp tác nhiều hơn với đối tác phương Tây. Zhong Nanshan, một chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp của Trung Quốc kiêm cố vấn chính phủ thúc giục Trung Quốc tăng cường trao đổi và hợp tác phát triển vắc xin với các nước khác. Ông phát biểu tại một diễn đàn: "Các nhà sản xuất phương Tây đã dành nhiều năm trong nghiên cứu và tìm cách phát triển vắc xin mRNA chỉ trong vài tháng. Chúng ta cần học hỏi công nghệ của họ trong lĩnh vực này".
TL