Sử dụng pin tương tự xe điện, phạm vi của chiếc máy bay điện đầu tiên trên thế giới cất cánh là bao nhiêu?

11:03 30/09/2022

Với công nghệ pin tương tự như xe điện hoặc điện thoại di động và thời gian sạc 30 phút, máy bay điện Alice chở 9 hành khách có thể bay trong 1 giờ với quãng đường là 814,88km.

Kể từ lần xuất hiện tại triển lãm hàng không ở Paris, Pháp, năm 2019, sự phát triển của chiếc máy bay điện của Eviation đã chậm lại, nhưng mới đây, công ty thông báo Alice đã hoàn thành tốt đẹp chuyến bay đầu tiên - Ảnh: Eviation

Sau nhiều tháng bị trì hoãn, chuyến bay đầu tiên của máy bay điện mang tên Alice đánh dấu bước tiến quan trọng đối với ngành hàng không trong tương lai. Ảnh: Eviation.

Chuyến bay đầu tiên của chiếc máy bay chạy hoàn toàn bằng điện Alice đánh dấu bước tiến quan trọng của công ty khởi nghiệp Israel Eviation, sau nhiều tháng thử nghiệm trên mặt đất và lịch bay trên không trung bị trì hoãn. Nguyên nhân có nhiều, như thời tiết xấu, COVID-19, vấn đề công nghệ và sự xáo trộn trong hàng ngũ lãnh đạo công ty.

Những người trong ngành hàng không rất mong chờ sự kiện này, khi Eviation tự hào giới thiệu Alice sẽ là “máy bay chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới”.

Chuyến bay đầu tiên diễn ra tại sân bay quốc tế hạt Grant  (KMWH), bang Washington, Mỹ, vào 21h10 ngày 27-9 (giờ Việt Nam). Chuyến bay kéo dài trong 9 phút 3 giây ở độ cao 1.067m.

Gregory Davis, chủ tịch và là CEO của Eviation, chia sẻ: “Đây chính là dấu mốc lịch sử. Chúng tôi chưa từng thấy sự thay đổi trong công nghệ động cơ máy bay kể từ khi chúng tôi chuyển từ động cơ piston sang động cơ tuabin. Lần gần đây nhất chúng ta được chứng kiến công nghệ hoàn toàn mới kết hợp với nhau là thập niêm 1950”.

Chiếc máy bay được lấy theo tên nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng dành cho thiếu nhi Alice ở xứ sở thần tiên, có thể chở 9 hành khách và 2 phi công. Đuôi dạng chữ T, cánh quạt gắn ở đuôi trông khá độc đáo. Với công nghệ pin tương tự như xe điện hoặc điện thoại di động và thời gian sạc 30 phút, máy bay điện Alice chở 9 hành khách có thể bay trong 1 giờ với quãng đường là 814,88km. Chiếc máy bay có vận tốc tối đa xấp xỉ 462 km/h. Nếu để đưa ra so sánh thì một chiếc Boeing 737 sẽ có vận tốc hành trình tối đa là 946 km/h.

Công ty Eviation được thành lập vào năm 2015 và đã phát triển chiếc Alice từ đó. Công ty hy vọng sẽ sử dụng thông tin thu thập được từ chuyến bay đầu tiên để xem xét các bước tiếp theo. Máy bay sẽ được giao cho khách vào năm 2017, mặc dù mốc thời gian dự kiến này có thể thay đổi.

Omer Bar-Yohay, cựu CEO của Eviation, nay là thành viên hội đồng quản trị, cho biết Alice sử dụng “cùng một loại pin 21700 [Li-ion] có thể tìm thấy trong Tesla hoặc rất nhiều ô tô điện khác”. Ông kỳ vọng Alice sẽ sớm được chứng nhận để kịp đưa vào hoạt động từ năm 2025.

Khả năng Alice trở thành máy bay điện thương mại hóa đầu tiên là rất khả quan. Hãng hàng không Global Crossing (GlobalX) đã ký biên bản ghi nhớ đặt mua 50 máy bay điện Alice, giao hàng dự kiến vào năm 2027. 

Hãng hàng không Cape Air đặt mua 75 máy bay Alice với mục đích thúc đẩy “tính bền vững, tăng trưởng và đổi mới”. DHL Express đặt mua 12 máy bay Alice eCargo.

Ba phiên bản của Alice hiện đang ở giai đoạn mô hình. Một mẫu máy bay chở khách, một mẫu máy bay công vụ và một mẫu chở hàng. Máy bay chở khách đi lại sẽ có 9 ghế khách và 2 phi công cùng 385,5kg hành lý. Mẫu máy bay công vụ được thiết kế với 6 chỗ ngồi với không gian rộng rãi hơn. Máy bay chở hàng sẽ có thể tích là 12,7 m3.

Hành trình cất cánh của Alice không phải là không gặp trục trặc. Theo dự kiến ban đầu, máy bay điện Alice sẽ cất cánh vào năm 2021 nhưng bị chậm trễ. Eviation phải đối mặt với vấn đề doanh thu và hàng loạt vấn đề thời tiết cản trở tiến độ thử nghiệm. Do đó, ngày bay của Alice bị lùi lại.

Hãng hàng không CapeAir dự kiến sẽ cho ra mắt đội máy bay hoạt động vào năm 2023 nhưng những chiếc Alice đã mua bị trì hoãn. Công ty vận chuyển quốc tế DHL và công ty cho thuê hàng không GlobalX cũng đã công bố kế hoạch mua chiếc máy bay này.

TH