Sầm Sơn (Thanh Hóa): Bước chuyển mình của một thành phố trẻ

00:00 12/10/2020

Nhờ những chủ trương đúng đắn, quyết liệt và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Thanh Hóa cũng như của Sầm Sơn mà một thành phố biển hiện đại, hấp dẫn và đáng sống hôm nay đang thay thế dần cho một làng Chài nghèo thuở xưa.

Vùng đất cửa bể xinh đẹp gắn liền với nền văn hóa tâm linh độc đáo

Vùng đất Sầm Sơn hình thành chủ yếu là nhờ những dòng hải lưu đem phù sa và bùn đất từ các dòng sông bồi đắp nên. Trải qua thời gian, xuất hiện một cồn cát kéo dài từ chân dãy núi Trường Lệ đến cửa Hới và sự sống “manh nha”. Lúc đầu là cỏ cây hoa lá, rồi rất lâu mới thấy con người sinh sống. Phố biển Sầm Sơn ra đời từ một làng Chài nho nhỏ ven biển, dưới chân dãy núi Trường Lệ đó.

Cảnh biển xóm Vinh Sơn lúc hoàng hôn

Từ ngàn xưa, Sầm Sơn đã nổi tiếng với nước biển trong xanh, chứa nhiều muối khoáng, ấm quanh năm, có khả năng chữa được một số bệnh. Lượng muối biển Sầm Sơn thấp là do dọc chiều dài bờ biển, có tới 5 con sông đem nước ngọt từ thượng nguồn về. Bãi cát rộng dài, dốc thoai thoải, nền cát dẽ, sóng biển đổ vào nhè nhẹ, vỗ về, ôm ấp như người mẹ hiền của biển khơi.

Có thể nói đến Sầm Sơn vào khoảng thời gian, không gian nào cũng là niềm vui và mang lại cảm xúc yêu thương đến tột cùng cho những ai ghé thăm. Bãi biển Sầm Sơn buổi sáng bình minh thật xinh đẹp. Ở đó có màu nước biển trong xanh ngọc bích cùng nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc của người dân làng Chài sau một hành trình trên biển, trở về với tôm cá đầy ghe. Buổi chiều hoàng hôn mặt trời dần “lăn” xuống biển như hòn lửa, ấy là khoảnh khắc kì diệu của tạo hóa. Màn đêm buông xuống, nằm sóng soãi trên cát trắng, nghe sóng vỗ xô bờ, nghe biển hát khúc tình ca, nghe hơi thở của đại dương, nghe tiếng rì rào của rặng phi lao, nghe hòn Trống Mái kể chuyện tình yêu, âm vang thuyền thuyết thần Độc Cước hiện về,…

Núi Trường Lệ thơ mộng và kì diệu, được coi là Hòn Ngọc của Sầm Sơn, nơi đây có nhiều ngọn núi cao thấp gắn với những câu chuyện làm đắm say lòng người. Nơi đây được phủ kín bởi những màu xanh của rừng thông, rừng phi lao.  Du khách có thể men theo con đường nhỏ, trèo lên đỉnh để nhìn ngắm quần đảo xa gần, thu vào tầm mắt hình ảnh đoàn thuyền đánh cá ẩn hiện trong khói sóng và hít thở khí biển tinh khiết, mát dịu. Giữa đỉnh núi Trường Lệ là hình hài của đôi chim đá khổng lồ đang chụm đầu tự tình, thơ mộng mà dân gian gọi là Hòn Trống Mái. Hình ảnh này gắn với câu chuyện tình sâu sắc, lãng mạn về cặp vợ chồng nghèo hóa đá và Lễ hội tình yêu độc đáo của thành phố biển.

Đi bộ trên con đường uốn lượn quanh co, lướt qua những rặng núi đồi xanh mướt, những loài hoa muôn màu sắc là cả một không gian bao la rộng lớn. Dừng chân trên đỉnh núi, ai nấy lựa cho mình những cánh võng yêu thích, nằm và thỏa sức đu đưa trong không gian yên ắng, tĩnh lặng của đất trời, để hít hà thật sâu thưởng thức mùi hương thanh khiết, thơm tho của núi rừng Trường Lệ, rồi chìm vào giấc ngủ ngọt lịm.

Đặc biệt, Sầm Sơn còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đa dạng bao gồm các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Bánh chưng bánh giày, lễ hội Cầu ngư bơi chải,… Trên địa bàn Sầm Sơn có tới hơn 20 di tích đã được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh, là một trong số các địa phương có tỷ lệ mật độ di tích cao trong cả nước.

Lễ hội Cầu ngư bơi chải - một trong những lễ hội truyền thống độc đáo của thành phố Sầm Sơn

Ngoài hình ảnh một đền Độc Cước thờ vị thần tiêu diệt thủy quái mang lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho cư dân vùng biển trầm mặc giữa đất trời; một đền Cô Tiên trên đỉnh Trường Lệ có không gian thoáng mát, cổ kính, huyền thoại là nơi Bác Hồ chọn để nghỉ ngơi và làm việc trong những ngày về với Sầm Sơn; một đền Tô Hiến Thành, linh thiêng mang lại cho du khách cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh mỗi khi nghé thăm, du khách đến với Sầm Sơn còn có cơ hội tìm hiểu thêm rất nhiều những di tích nổi tiếng khác.

Tọa lạc ở phường Trung Sơn, Ngôi đền Bà Triều (Làng Triều) nổi tiếng linh thiêng. Ngôi đền ánh lên nét sơn vàng, còn thơm mùi ngói mới rực rỡ hắt lên không gian một màu sáng trong, tinh khiết đầy quyến rũ của cõi tâm linh. Cây bồ đề nằm trước đền tỏa bóng xum xuê, hòn non bộ làm bức hình phong thủy. Đây là không gian rộng rãi, thoáng mát, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho nhân dân.

 Bác Hoàng Thăng Ngói, tác giả cuốn sách “Linh tích Sầm Sơn”, cho chúng tôi biết: “Bà Triều là vị thần Hoàng làng được nhiều nơi của Sầm Sơn thờ cúng. Bà là một nhân vật có phép thuật nhưng lại là con người bằng xương bằng thịt, cùng ăn cùng ở, cùng làm chịu cảnh đói khổ và dạy dỗ truyền nghề cho nhân dân. Ngôi đền này mới được trùng tu tôn tạo lại trên nền móng cũ”.

Bác Ngói cho biết thêm: “Cũng là Đền Bà Triều nhưng ở phường Quảng Cư lại mang một màu sắc khác. Nơi đây Thánh Mẫu đã hiển linh, giúp dân có cuộc sống bình an, giàu có, hạnh phúc trước muôn trùng biển cả nên nhân dân nơi đây rất tôn sùng vị thần Hoàng làng này. Phía trước đền là đầm nước mênh mông, nổi lên trên là những hòn cù lao, cây xanh rậm rạp, quanh đền là những lùm cây cổ thụ rợp bóng quanh năm, chim hót ríu lo. Nơi đây là một không gian riêng biệt, là nơi hội tụ của thần linh mang giá trị văn hóa độc đáo”.

Hầu như ở phường nào của Sầm Sơn cũng có ít nhất một di tích lịch sử văn hóa. Nơi đây có bao nhiêu làng thì gần như cũng có bấy nhiêu Đình – Đền – Chùa – Phủ. Đó là còn chưa kể đến các nhà thờ Cơ Đốc giáo, các điện, miếu,… Bác Ngói nhấn mạnh.

Sầm Sơn không chỉ đẹp và hấp dẫn bởi đất biển thơ mộng, thiên nhiên thấm đẫm hồn người, bởi những di tích lịch sử văn hóa tâm linh độc đáo mà còn đẹp bởi cái chất của con người nơi đây, những người luôn kiên cường và hồn hậu, mến khách. Đúng như lời ca: "Sào non không cắm bến lầy/ Non gan chẳng đến chốn này làm chi".

Bước “chuyển mình” của một làng Chài nơi cửa bể đến một thành phố biển đáng sống

Dưới chế độ Thực dân phong kiến, vùng đất Sầm Sơn vẫn chỉ là một làng quê chuyên nghề chài lưới và sản xuất nông nghiệp, do bị áp bức bóc lột nặng nề nên quanh năm đói nghèo, lạc hậu. Đầu thế kỷ XX, một ngành kinh tế mới hình thành trên vùng này, đó là ngành du lịch nghỉ mát. Năm 1907, người Pháp đã cho xây dựng công trình nghỉ dưỡng, biệt thự trên dãy núi Trường Lệ phục vụ nhu cầu của của họ và quan lại triều Nguyễn.

Từ một làng chài nghèo, Sầm Sơn đã "vươn mình" trở thành một thành phố du lịch biển hiện đại và đáng sống

Từ một làng chài nghèo, đến năm 1981 Sầm Sơn đã thành lập thị xã. Nhờ đó, Sầm Sơn đã đạt được một số thành tựu, diện mạo đô thị biển đã thay đổi, với hệ thống đường giao thông, thông tin liên lạc, điện chiếu sáng, các công trình kiến trúc, văn hóa lịch sử, khuôn viên đô thị được đầu tư xây dựng khang trang, nhiều nhà hàng khách sạn được cải tạo nâng cấp và xây mới.

Song trên thực tế, kết quả phát triển kinh tế du lịch Sầm Sơn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, còn nhiều tồn tại và hạn chế, đặc biệt là còn mang tính mùa vụ, tính chuyên nghiệp chưa cao,... Kiểu kinh doanh “chộp giật”, các hành vi ép giá, ép khách, ứng xử thiếu văn hóa là trở ngại, thách thức lớn đối với sự phát triển của kinh tế du lịch Sầm Sơn.

Trước tình hình đó, chính quyền Sầm Sơn đã ban hành Nghị quyết về việc nâng cao chất lượng du lịch nhằm lãnh chỉ đạo huy động sự tham gia vào cuộc của tất cả các cấp các ngành tập trung khắc phục những tồn tại yếu kém phát huy mọi nguồn lực lợi thế tạo bước đột phá xây dựng phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị biển văn minh, giàu đẹp, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng văn hóa ứng xử cũng như phát huy những giá trị tốt đẹp của quê hương miền biển.

Năm 2007, Sầm Sơn tổ chức kỷ niệm 100 năm du lịch Sầm Sơn. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự hình thành, phát triển của một đô thị biển, cũng là dịp để tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, những thành tựu du lịch Sầm Sơn, qua đó tăng cường thu hút đầu tư, hấp dẫn du khách.

Từ một đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, năm 2017, Sầm Sơn được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Sự kiện này tạo cơ hội cho thành phố biển Sầm Sơn mở cửa hội nhập và phát triển, chào đón du khách khắp nơi về nghỉ dưỡng, trải nghiệm.

Ngày hôm nay, đến với Sầm Sơn, du khách không chỉ bị cuốn hút bởi cảnh quan thiên nhiên “Sơn thủy hữu tình”, được tham quan, chiêm ngưỡng những Di tích lịch sử văn hóa vật thể, phi vật thể mà còn đượng trải nghiệm những công trình nghỉ dưỡng hiện đại hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt, khu nghỉ dưỡng cao cấp FLC theo tiêu chuẩn quốc tế đã có mặt tại Sầm Sơn. Hình ảnh FLC Sầm Sơn với kiến trúc biệt thự, khách sạn độc đáo cùng những tiện ích hiện đại, đẳng cấp, vút mình trên mặt biển xanh ngọc đã lọt vào tầm ngắm của hàng triệu du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội Canival đường phố Sầm Sơn năm 2020 do tập đoàn Sun Group tài trợ

Ngoài ra, dự án Quảng trường biển và khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí do Tập đoàn Sun Group đầu tư đang được tích cực triển khai, sẽ mở ra triển vọng mới tươi sáng cho sự phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của một thành phố biển. Ngày nay, bãi biển Sầm Sơn đang ngày càng chật hẹp hơn vào mỗi kỳ nghỉ vì lượng du khách đổ về đây quá lớn.

Nhận thức rất rõ những khó khăn trước mắt do đại dịch Covid -19, chính quyền thành phố Sầm Sơn đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục đưa du lịch Sầm Sơn phát triển bền vững và an toàn. Lãnh đạo thành phố Sầm Sơn cam kết sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án vào thành phố.

Có thể nói, từ một làng Chài nơi cửa bể thuở xưa đến một thành phố biển đáng sống hôm nay đã mang lại cho người dân Thanh Hóa nói chung và nhân dân Sầm Sơn nói riêng những giá trị vật chất và tinh thần vô giá.

Minh Hiền