Theo báo cáo tài chính quý 3 vừa công bố, Sabeco đạt doanh thu 8.635 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 1.394 tỷ đồng, tăng 200%. Biên lợi nhuận cải thiện từ 26,7% lên 31,2%.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 24.949 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận sau thuế 4.424 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 75% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
SAB cho biết, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận ròng đã được cải thiện cao hơn năm ngoái khi cả nước không còn giãn cách xã hội. Nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng và tiếp thị cũng thúc đẩy các hoạt động bán hàng cho các nhãn hàng. Đồng thời, công ty nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào cao hơn.
Năm 2022, Sabeco dự kiến đặt kế hoạch doanh thu thuần 34.791 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.581 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 32% và 17% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, chỉ mới 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành được 96,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Bên cạnh lợi nhuận tăng trưởng, dòng tiền kinh doanh của SAB tiếp tục cải thiện. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh tiếp tục ghi nhận dương 4.734 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 1.669,3 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư âm 3.296,1 tỷ đồng do tăng mạnh tiền gửi có kỳ hạn. Dòng tiền tài chính âm 2.201 tỷ đồng do chi trả cổ tức.
Tăng tiền gửi khiến khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Sabeco tăng từ gần 17.000 tỷ đồng lên hơn 20.600 tỷ đồng. Đây đều là các khoản tiền gửi có kỳ hạn. Cộng thêm các khoản hàng tồn kho, các khoản phải thu ngắn hạn tăng đáng kể, tổng tài sản của SAB được nâng lên 33.949 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.
Sức hấp dẫn của Sabeco còn thể hiện trên thị trường chứng khoán khi cổ phiếu SAB là mã duy nhất trong nhóm VN30 đi ngược thị trường trong giai đoạn từ đầu năm 2022 tới nay. Phiên 21/10, SAB đang giao dịch ở mức giá 193.000 đồng, tăng gần 29% so với đầu năm.
P.V