Quý I/2021, Bộ Tài chính kiểm điểm rút kinh nghiệm 4 trường hợp sai phạm

15:08 07/04/2021

Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện một số sai phạm trong việc chấp hành quy trình nghiệp vụ và đã có các biện pháp xử lý phù hợp tính chất, mức độ vi phạm.

Trong quý I/2021, Thanh tra Bộ Tài chính vừa kiến nghị xử lý về tài chính 12.054,935 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trên 2.228 tỷ đồng, kiến nghị khác gần 9.827 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính trên 399 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp NSNN trên 814 tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Tài chính, quý I/2021, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 6.716 cuộc thanh tra, kiểm tra. Tiến hành kiểm tra 79.868 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 1.770 vụ. 

Quý I/2021, Bộ Tài chính kiểm điểm rút kinh nghiệm 4 trường hợp sai phạm
Quý I/2021, Bộ Tài chính kiểm điểm rút kinh nghiệm 4 trường hợp sai phạm.

Các đơn vị kiến nghị xử lý về tài chính 12.054,935 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị thu hồi nộp NSNN trên 2.228 tỷ đồng, kiến nghị khác gần 9.827 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính trên 399 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp NSNN trên 814 tỷ đồng.

Về công tác thanh tra nội bộ, quý I/2021, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ đối với 230 đơn vị trong hệ thống. Toàn hệ thống Thuế đã thực hiện 51 cuộc kiểm tra nội bộ. Đã kiểm điểm rút kinh nghiệm 4 trường hợp.

Toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện 179 cuộc. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện một số sai phạm trong việc chấp hành quy trình nghiệp vụ và đã có các biện pháp xử lý phù hợp tính chất, mức độ vi phạm.

Qua thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ Tài chính đã kiến nghị yêu cầu rà soát, đôn đốc thu hồi nợ thuế và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm; chấn chỉnh công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng, công tác khảo sát, thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu và các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án… Kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.

Thời gian tới, để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực thuế (hành vi gian lận để chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế…) và các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy và các chất gây nghiện, Thanh tra Bộ Tài chính sẽ tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ ngành Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác như: Cảnh sát điều tra, Ngân hàng Nhà nước…

Thanh tra Bộ Tài chính tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành. Tăng cường đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích; phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng, qua đó tăng cường thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận.

PV