Tham dự sự kiện có nhà báo Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nhà báo Đinh Như Hoan - Phó Tổng biên tập báo Nhân dân; Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Nhà báo Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam; ông Nguyễn Trần Huy – Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị; Ông Hoàng Nam – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; cùng các nhà báo nguyên là lãnh đạo chủ chốt của Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, lãnh đạo Hội Nhà báo Quảng Trị…
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh Quảng Trị, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị, 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) và gắn với các hoạt động quảng bá về mảnh đất, con người, tiềm năng thế mạnh và du lịch Quảng Trị.
Phát biểu khai mạc, nhà báo Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Quảng Trị - mảnh đất linh thiêng, khúc ruột miền Trung nắng gió, nơi được mệnh danh là vùng đất thép, từng hứng chịu những đau thương, mất mát trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Và Quảng Trị hôm nay, là nơi cả nước hướng về, với tràn đầy tự hào và hy vọng!
“Mùa hè năm 1972, Quảng Trị gan góc, kiên cường, máu xương nhuộm đỏ từng tấc đất đã được giải phóng. “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/ ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm”… - Một Việt Nam máu và hoa, một Quảng Trị anh hùng, đã đi vào thơ ca, vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại. Những địa danh, tên gọi gắn với những hy sinh và những chiến công lẫy lừng như cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, Thành Cổ, Đường 9, Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu… vẫn còn đây, trong ký ức của mỗi người dân Quảng Trị, mỗi người Việt Nam hôm nay; là động lực để Quảng Trị và cả nước phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, tiến bước mạnh mẽ trên con đường đổi mới và phát triển… Đi qua những năm tháng đau thương, những địa danh oai hùng xưa kia nay đã trở thành những di tích lịch sử, thành địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch Quảng Trị với khát vọng hòa bình tỏa sáng trên từng ngôi nhà, ngọn núi, dòng sông!” - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam xúc động chia sẻ.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn Trưng bày và Triển lãm sẽ góp phần tuyên truyền và phát huy giá trị, tầm vóc của các sự kiện lịch sử, khơi dậy niềm tự hào đối với truyền thống vẻ vang của đất nước và quê hương Quảng Trị trong kháng chiến cũng như công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Trị suốt nửa thế kỷ qua, là đợt giáo dục truyền thống, sinh hoạt chính trị sâu rộng trên địa bàn tỉnh và trong toàn quốc.
Phát biểu chào mừng, ông Hoàng Nam – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Cách đây 50 năm, ngày 01/5/1972 tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu kiên cường chống địch phản kích bảo vệ thị xã Quảng Trị, Thành cổ Quảng Trị của quân và dân ta đã tác động trực tiếp làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân về nước; tạo nên thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong những năm tháng khốc liệt ấy, những bản tin, bài báo, bức ảnh, phóng sự từ các chiến trường, nhiều tác phẩm báo chí đã trở thành “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Trong muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cái chết luôn cận kề, nhưng những người làm báo đã ra trận với tư thế người chiến sĩ, vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu, đã sáng tạo nên những tác phẩm báo chí tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới, gắn kết nhân dân cả nước, cùng hướng về một mục tiêu, đó là giải phóng đất nước, giữ vững độc lập – tự do cho dân tộc.
“Sau 50 năm, kể từ ngày quê hương giải phóng, hơn 30 năm lập lại tỉnh, cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, từ một mảnh đất bị hủy diệt hoàn toàn trong chiến tranh; phát huy truyền thống kiên cường, anh dũng trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong xây dựng cuộc sống; được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, quân và dân trong cả nước và bạn bè quốc tế, Quảng Trị đã vượt lên mọi khó khăn tái tạo cuộc sống mới. Kinh tế có bước tăng trưởng khá, các vấn đề an sinh xã hội được chăm lo chu đáo, An ninh quốc phòng được giữ vững, Hệ thống chính trị được quan tâm xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định.
Đánh giá về sự kiện này, ông Hoàng Nam cho rằng, cùng với các sự kiện thường niên của Báo Nhân Dân và Thông tấn xã Việt Nam tổ chức trong những năm qua tại Quảng Trị, việc tổ chức trưng bày tài liệu, hiện vật về đề tài “Quảng Trị - Bản hùng ca vang mãi” và Triển lãm ảnh báo chí “Quảng Trị hôm nay” của Hội Nhà báo Việt Nam là hoạt động hết sức ý nghĩa, được tổ chức trang trọng trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là dịp để tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Hội Nhà báo Việt Nam, đội ngũ những người làm báo các cơ quan báo chí trung ương với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị, đặc biệt là với đội ngũ làm báo tại địa phương.
Nổi bật trong chương trình là phần trưng bày chuyên đề gồm 14 vách, 8 tủ (trong đó có 50 tài liệu, hiện vật gốc): Trưng bày tài liệu, hiện vật, hình ảnh của các phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Lương Nghĩa Dũng, Trọng Thanh, Văn Sắc, Sỹ Sô; của các nhà quay phim như Nguyễn Thành Thái, Lê Mai Phong; và nhà báo: Thép Mới, Hữu Thọ, Trần Công Mân, Phan Quang, Phạm Thanh, Ngọc Đản, phát thanh viên Dương Thị Ngân; cùng một số hình ảnh, tư liệu báo chí về Quảng Trị thời kỳ 1954-1975 và thời kỳ đổi mới, phát triển... với nhiều hình ảnh tư liệu quý, nhiều hiện vật có giá trị, nhiều sưu tập lần đầu ra mắt công chúng.
Tại chương trình cũng diễn ra buổi Lễ trao giải và triển lãm Ảnh Báo chí Quảng Trị hôm nay. Theo đó, triển lãm bao gồm 81 bức ảnh được chọn treo trong số hàng nghìn bức ảnh đã được các hội viên Câu lạc bộ Ảnh báo chí thuộc Nhà Văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam chụp tại Quảng Trị trong thời gian mới nhất từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2022.
Con số 81 cũng là một con số rất đặc biệt, nhắc nhớ chúng ta nhớ tới mùa hè đỏ lửa Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Sau 50 năm, Quảng Trị giờ đây đã thực sự thay da đổi thịt và một sức sống mới đã và đang hiện diện trong công cuộc tái tạo, phát triển, hội nhập trên mảnh đất bom đạn đau thương ngày nào…
81 bức ảnh cũng thể hiện phần nào sự nỗ lực của các nghệ sĩ nhiếp ảnh sau hành trình hàng trăm km từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh vào với Quảng Trị yêu thương. Và 11 tác phẩm ý nghĩa nhất, đẹp nhất đã được lựa chọn để trao giải, trong đó gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải Khuyến khích. Giải nhất là tác phẩm "Em bé tại Di tích sân bay Tà Cơn" của tác giả Đường Hồng Mai.
Có thể nói, nửa thế kỷ trôi qua, bản hùng ca mang tên Quảng Trị vẫn tiếp tục vang mãi, vang mãi trên mảnh đất mang trên mình đầy thương tích chiến tranh, trên hành trình đi đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, hạnh phúc và phồn vinh. Để làm nên Quảng Trị hôm nay! Thông điệp lớn nhất Quảng Trị mang đến thế kỷ 21 là tinh thần đi tới, là khát vọng hòa bình, là sự hồi sinh và nỗ lực phát triển, là sự tích cực hội nhập để tiếp tục đi vào lịch sử những huyền thoại mới… Trưng bày chuyên đề và Triển lãm ảnh: Quảng Trị - bản hùng ca vang mãi đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp ý nghĩa này.
Trọng Lãnh