Tự nhận bản thân là kẻ thờ ơ với công nghệ, nhưng chiếc máy tính Mac ra đời năm 1988 đã giúp ông tìm ra hướng đi của cuộc đời mình.
Hội Liên Hiệp Cambridge, thuộc trường Đại học Cambridge là nơi tổ chức những cuộc hội thảo về các chủ đề được xã hội quan tâm. Ngày 19/11/2018, Jony Ive, nhà thiết kế danh tiếng của Apple đã có bài phát biểu tại đây.
Khán phòng Hội được chia thành 2 hàng ghế ngồi đối diện nhau với sức chứa 400 người. Ngày hôm đó chật kín không còn một chỗ trống. Phần lớn thính giả là sinh viên.
Ive đứng ở trung tâm khán phòng, quay qua quay lại để có thể giáp mặt cả 2 hàng ghế. Ông mặc đồ thanh lịch và nhẹ nhàng, chủ yếu là tông xanh nhạt với áo vest xanh, sơ mi xanh nhạt và cà vạt.
Một gã thờ ơ với công nghệ
“Những nhà thiết kế như chúng tôi tạo ra công cụ, để bạn có thể ngồi, ăn, sống bên trong đó. Những công cụ giúp việc giao tiếp, học hỏi, sáng tạo và cải thiện bản thân trở thành hiện thực. Các công cụ chúng tôi tạo ra có thể rất mạnh mẽ, đẹp đẽ, và trong nhiều trường hợp, chúng thậm chí không cần đi theo logic”, Ive nói, mở đầu bài diễn thuyết.
Dù cho rằng bản thân là người thờ ơ với công nghệ, cuộc gặp gỡ đầu tiên của Ive với Apple Mac đã thay đổi ông rất nhiều.
“Với chiếc Mac ra mắt năm 1988, tôi học được 2 điều. Đầu tiên, tôi thực sự thích dùng cỗ máy này. Đó là một công cụ mạnh mẽ giúp tôi thiết kế và sáng tạo. Thứ nhì, điều này khá xấu hổ, rốt cuộc tới tận năm cuối cùng của 4 năm đại học tôi mới nhận ra rằng muốn trở thành ai là quyền của bạn”.
“Tôi cảm thấy có một mối liên kết thực sự với những người đã chế tạo ra chiếc máy này. Và lần đầu tiên, tôi bắt đầu quan tâm tới những thứ to tát như là nhân loại và khả năng của bản thân”.
Điều này khiến Ive muốn tìm hiểu nhiều hơn về những người làm việc tại Apple. Năm 1992, ông chuyển đến California.
Sáng tạo là thứ mong manh
"Tôi tận hưởng niềm vui lớn lao từ những ý tưởng nhỏ nhoi nhất, từ những tiếng nói thầm lặng nhất bên trong mình, phát triển thành một sản phẩm đẹp đẽ và có ảnh hưởng". Theo Ive, dù dự án bắt đầu vào khoảng năm 2002 đến 2003, những ý tưởng về giao diện iOS đã xuất hiện từ rất lâu.
“Đó là một dự án mà chúng tôi có thể diễn tả bằng từ “đa chạm”. Nhiều người vẫn còn nhớ lần đầu tiên trải nghiệm giao diện đó. "Đa chạm" là cho phép bạn trực tiếp chạm và tương tác với các nội dung bạn muốn như là phóng to, thu nhỏ hình ảnh, lướt qua các mục bằng ngón tay của mình”.
“Nó (iOS) có giao diện độc đáo, chưa bao giờ xuất hiện từ trước đến nay. Vậy nên, hãy xác định cụ thể chức năng của một ứng dụng, chứ đừng diễn tả đại khái. Thế là chúng tôi bắt đầu xem xét việc tạo ra các ứng dụng hữu dụng, hấp dẫn và trực quan. Thế là quá rõ, bạn cần có một nơi để đưa chúng lên kệ và App Store ra đời”, Ive cho biết.
Nhưng cần có thời gian để ý tưởng trở thành hiện thực. “Trong thực tế, các công nghệ cần thiết mất nhiều năm trời để đuổi kịp ý tưởng. Thành thật mà nói, trong quá trình làm, nhiều khi chúng tôi cũng suýt bỏ cuộc”.
Những ý tưởng, như Ive nói, không ra đời để giải quyết vấn đề.
“Nhóm càng lớn, ý kiến càng bị nhầm lẫn với ý tưởng. Ý kiến diễn đạt trong nhóm lớn phải hướng tới những thứ định lượng được, có thể đo lường rồi triển khai.”
“Chẳng ai yêu cầu chúng tôi giải quyết vấn đề. Ý tưởng ra đời chưa phải để đáp ứng cho việc phát triển công nghệ. Chúng không phải chỉ mơ hồ trong một vài tuần hay một vài tháng, ý tưởng bạn có vẫn rất mong manh sau nhiều năm trời”.
“Việc hợp tác với nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau là một trong những điều tôi thích nhất khi làm việc ở Apple. Tuy nhiên nó cũng đặt ra nhiều thử thách khi làm việc trong một nhóm lớn. Nhóm càng lớn, ý kiến càng bị nhầm lẫn với ý tưởng. Ý kiến diễn đạt trong nhóm lớn phải hướng tới những thứ định lượng được, có thể đo lường rồi triển khai".
"Đó là lý do tại sao chúng tôi luôn bị ám ảnh bởi những thứ như kích thước, trọng lượng, tốc độ, dung lượng pin, lịch triển khai, giá thành". Chỉ có tầm nhìn và mục đích chung là chưa đủ, ông cho biết.
'Hãy tạo ra những thứ tuyệt vời'
Ông cũng cho biết cách làm việc của mình đôi khi có những nghịch lý khá khó chịu.
“Có một xung đột nền tảng giữa 2 cách suy nghĩ hết sức khác nhau. Đó là cách suy nghĩ tò mò và suy nghĩ tập trung giải quyết vấn đề. Tò mò, đó là thứ năng lượng động viên, nhưng lại hết sức tham lam và đẩy bạn lạc trong đống hỗn độn các ý tưởng”.
“Suy nghĩ giải quyết vấn đề dựa vào các kế hoạch và dự định. Thường thì điều này mâu thuẫn với sáng tạo. Thực lòng mà nói tôi không thể tìm thấy 2 cách làm việc, 2 sự tồn tại nào đối lập hơn tò mò và giải quyết vấn đề.
“Bạn thấy đó, khi cần giải quyết các vấn đề khó, bạn phải kiên quyết, đôi khi cứng đầu vô lý. Nhưng để giải quyết các vấn đề khó cần có các ý tưởng mới. Thế là bạn chuyển sang chế độ cởi mở, tò mò và bắt đầu nghĩ ra các ý tưởng. Việc này không chỉ diễn ra 1, 2 lần trong dự án kéo dài hàng năm, nó diễn ra đều đặn mỗi ngày. Cá nhân tôi thấy việc chuyển đổi qua lại này hóa ra lại là một yêu cầu tuyệt vời của công việc”.
Ive kết thúc bài diễn văn của mình bằng việc đề cập tới Steve Jobs. “Tôi sẽ đọc cho bạn nghe một vài thứ mà người đồng hành, người bạn của tôi, Steve Jobs đã nói 10 năm trước. Tôi nghĩ lời kết của ông ấy là vô cùng hợp lý cho buổi nói chuyện này”.
“Sống có nhiều cách. Người ta biểu đạt sự biết ơn của mình cũng thông qua nhiều cách khác nhau. Nhưng có một cách tôi tin rằng người ta dùng để biểu hiện sự biết ơn của mình tới toàn nhân loại, đó là làm ra một thứ gì đó đẹp đẽ và tuyệt vời rồi đưa nó cho mọi người”.
“Bạn chưa từng bắt tay hay gặp mặt họ, chưa từng nghe câu chuyện của họ hay kể cho họ câu chuyện của mình. Nhưng bằng cách tạo ra một thứ tràn đầy tâm huyết, bạn đã truyền tải được thông điệp. Đó là cách mà nhân loại chúng ta chuyển tải sự biết ơn sâu sắc tới phần còn lại”.
Đại Việt (Zing News)