Tại Nghị quyết số 50/NQ-CP hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa được ban hành, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Chính phủ giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM), trong đó chủ lực là 4 NHTM nhà nước (gồm: Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank) triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
NHNN cũng có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại các NHTM được kiểm soát đặc biệt theo Kết luận của Bộ Chính trị; khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) theo trình tự, thủ tục của Luật Các tổ chức tín dụng.
SCB được thành lập dựa trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank).
Tới tháng 10/2022, NHNN đã đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt để ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các TCTD.
Theo báo cáo gửi Chính phủ về tình hình triển khai nghị quyết 01 và tình hình kinh tế xã hội tháng 1/2023, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành chủ động, thận trọng, linh hoạt. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Đặc biệt, công tác giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng tiếp tục được tăng cường. Trong kỳ, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản chỉ đạo, cảnh báo với một số ngân hàng thương mại về một số rủi ro trong hoạt động huy động vốn, cấp tín dụng liên quan đến lĩnh vực bất động sản và các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý bảo hiểm, đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trong đó, riêng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), tiếp tục theo dõi sát hoạt động của SCB để kịp thời hỗ trợ thanh khoản cho SCB theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Ngân hàng Nhà nước cũng họp giao ban hằng tuần với ban kiểm soát đặc biệt và SCB để nắm tình hình, tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Sau sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025; khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý đối với các TCTD yếu kém và ngân hàng SCB.
Chính phủ cũng giao NHNN sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN (Thông tư 16) quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp theo thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, tăng cường minh bạch, kiểm soát chặt chẽ rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, góp phần hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
PV (t/h)