Thuyền trưởng người Áo là vị HLV duy nhất từng trải qua hơn 2 nhiệm kỳ dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam và đều có thành tích. Năm 1998, ông đưa đội tuyển Việt Nam vào chơi chung kết Tiger Cup (tên gọi tiền thân cuar Cup) trên sân nhà, trước khi cái lưng của trung vệ Sasi Kumar phá hỏng mọi giấc mơ ở sân Hàng Đẫy. Năm 2003, dưới triều đại Alfred Riedl tập 2, đội tuyển U23 Việt Nam giành HCB SEA Games, cũng là trên sân nhà, sau khi để thua Thái Lan trong trận chung kết. Trước đó, tại chiến dịch Vòng loại Asian Cup 2004, đội tuyển Việt Nam của Riedl từng đả bại đương kim đệ tứ anh hào thế giới - Hàn Quốc, với tỷ số 1 - 0 (Văn Quyến), trận đấu diễn ra ở Muscat, Oman.
Với ông thầy người Áo này, bóng đá Việt Nam tiếp tục có thêm một chiếc HCB SEA Games 2005, khi giải đấu diễn ra ở Bacolod, Philippines; vẫn là Riedl, lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển Olympic Việt Nam đi tới Vòng loại cuối cùng Olympic Bắc Kinh 2008, vào chơi trận tứ kết giải vô địch châu Á - Asian Cup 2007 và chỉ chịu thua đội bóng đã vô địch sau đó là Iraq… Trước và sau năm 2007, Riedl cũng từng cầm Khánh Hòa, rồi Hải Phòng, nhưng không thành công.
Mặc dù vậy, ông vẫn được đánh giá là một trong những vị HLV tài năng bậc nhất và thành công bậc nhất, từng dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam. Alfred Riedl từng là một danh thủ đã giành Chiếc giầy đồng châu Âu, thời còn thi đấu. Trước Riedl, không một vị HLV hay chuyên gia nước ngoài nào, có bản CV hoành tráng như vậy.
Người viết từng có nhiều dịp làm việc với HLV Alfred Riedl nói riêng (trao đổi qua thư từ, ngay cả khi ông đã rời Việt Nam từ ngót 15 năm qua), cũng như các đời chuyên gia ngoại nói chung, từng dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam, kể từ năm 2003 đến nay. Nội hàm câu nói của ông Riedl không quá khó hiểu, rằng chúng ta không đầu tư vào bóng đá trẻ để tạo ra sức mạnh mang tính nền tảng, nhưng luôn đòi hỏi thành tích. Hay nói một cách hình ảnh, thì chỉ biết gặt mà không muốn gieo trồng, chăm bón. Nếu may mắn có được một đôi lứa cầu thủ tốt, gặp thời, thì thành công, nhưng không bền và tất nhiên, không có kế thừa. Nó cũng bắt đầu từ thứ tư duy nhiệm kỳ, với căn bệnh thành tích cố hữu, mà ra. "Xây nhà từ nóc" là thế!
Sự phát triển bền vững của một nền bóng đá phụ thuộc rất lớn vào công tác đào tạo, huấn luyện trẻ. Ảnh: VSI
Trong nhiều thập niên, chúng ta cất công tìm kiếm một HLV, một chuyên gia hay một kiến trúc sư người nước ngoài, để hy vọng tận dụng được nguồn chất xám ngoại lực…, nhưng sau rất nhiều cuộc bể dâu, người trong cuộc đã rất chểnh mảng. Từ khâu thẩm định, đến một chiến lược hay ít ra một kế hoạch dài hơi. Làm bóng đá mà đi tắt đón đầu, thiếu tính kế thừa căn cơ, bài bản, không đầu tư vào tuyến trẻ thì vứt! Người ta đã ví von theo kiểu "mạng xã hội" rằng, với kiểu làm bóng đá như ở Việt Nam, thì đến Sir Alex Ferguson hay "người đặc biệt" Jose Mourinho đến thì cũng… toang!
Mới đây, GĐKT Jurgen Gede và VFF không tiếp tục gia hạn hợp đồng sau tháng 6/2020, thời điểm mãn hạn. Điều này là hết sức bình thường, nếu Gede không làm được việc gì ra trò, sau 4 năm hợp tác và VFF, hay bóng đá Việt Nam cần một chuyên gia mới, với một chiến lược - tầm nhìn mới. Nhưng, thực tế là, Gede đã và đang làm rất tốt công việc của mình và có nhiều đóng góp, để lại nhiều di sản cho bóng đá Việt Nam.
Là những di sản gì? thì hãy hỏi các cộng sự - đồng nghiệp như Hoàng Anh Tuấn hay Park Hang Seo, hãy hỏi người hâm mộ, đừng hỏi những người có trách nhiệm đã có ý ngãng ra, để chào đón một người mới, mà có thể không cần phải trả lương!
Chúng ta sẽ tiếp tục hướng đến mục tiêu dự FIFA World Cup 2026, với các bản hợp đồng thời hạn 2-4 năm/chuyên gia nước ngoài, tất nhiên tính kế thừa là thứ xa xỉ và chẳng cần vun xới nguồn nội lực, khâu đào tạo trẻ, hệ thống các giải bóng đá quốc gia?!
Tùy Phong