Nghệ An: Phát triển, nhân rộng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến lâm sản

18:38 01/08/2022

Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu tại Hội thảo đánh giá kết quả quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng…

Ảnh minh họa
Hội thảo đánh giá kết quả quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng ở Nghệ An - Bàn giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu. 

Phát biểu chỉ đạo tại “Hội thảo đánh giá kết quả quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng ở Nghệ An - Bàn giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) đối với vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu” diễn ra vào sáng nay (01/8), ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nghệ An nhấn mạnh: Các ngành, các địa phương, các chủ rừng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy định của Luật Lâm nghiệp, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh về phát triển lâm nghiệp. Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng và triển khai phương án quản lý rừng bền vững. Tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến lâm sản. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển trồng rừng gỗ lớn. Hỗ trợ xây dựng hồ sơ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Có cơ chế để khuyến khích các chủ rừng, doanh nghiệp mở rộng đầu tư, liên kết trong trồng rừng và chế biến, thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị. Tỉnh Nghệ An xem việc phát triển kinh tế lâm nghiệp là một lợi thế và luôn đồng hành, tạo điều kiện cho các chủ rừng, doanh nghiệp. Quyết tâm cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản nói riêng. Vì vậy, yêu cầu Sở NN&PTNT và các sở, ngành, các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương bám vào các quy định của nhà nước để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và chủ động phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình liên doanh, liên kết với người dân trồng rừng để tiêu thụ sản phẩm. Đề nghị các doanh nghiệp chế biến lâm sản cần quan tâm, tìm hiểu để đầu tư, hỗ trợ ngành lâm nghiệp Nghệ An phát triển, đổi mới đầu tư công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên liệu gắn với bảo vệ môi trường. Mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đồng thời, là đầu tàu hỗ trợ người dân trong việc cấp và duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững. 

Ảnh minh họa
Đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu trao đổi một số ý kiến về đẩy nhanh cấp chứng chỉ rừng FSC tại Hội thảo. 

“Đối với rừng tự nhiên, cần quản lý tốt diện tích rừng hiện có. Bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ để giảm thiểu tác hại do thiên tai, cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với rừng trồng, cần khuyến khích, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người trồng rừng thực hiện quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng. Đẩy mạnh trồng rừng thâm canh, thực hiện mục tiêu kinh doanh rừng trồng gỗ lớn. Ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học, công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến trong phát triển rừng. Tuân thủ quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản theo quy định của luật pháp Việt Nam và cam kết Quốc tế. Đề nghị các ngành, các địa phương, các chủ rừng theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của chủ rừng, người dân và cả hệ thống chính trị trong phát triển ngành lâm nghiệp trong giai đoạn mới” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An- Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu. 

Ảnh minh họa
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ kết quả thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng trong thời gian qua. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đối với vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, các đại biểu kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành: Hướng dẫn các doanh nghiệp, UBND các huyện tổ chức thực hiện công tác quản lý rừng bền vững gắn liền cấp chứng chỉ rừng cho nhân dân một cách đồng bộ; chung tay, chung sức trong công tác duy trì và mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ trên địa bàn tỉnh; tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác phát triển quy mô vùng nguyên liệu có chứng chỉ FSC...Đáng chú ý hơn, các tham luận tại Hội thảo đã chỉ rõ thời cơ, thách thức và đề xuất các nội dung để thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Văn Cương – Hoàng Lan