Nét đẹp truyền thống nghề đậu bạc Định Công

23:21 24/02/2021

“Gốm Bát Tràng, bạc Định Công”, câu nói nổi tiếng khắp đất Kinh kỳ xưa với nhiều nghệ nhân được vào Kinh thành làm đồ trang sức cho Triều đình.

Làng Định Công hiện nay nằm bên bờ sông Tô Lịch, thuộc quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Theo truyền thuyết, cách đây khoảng 1500 năm vào thời Lý Nam Đế (thế kỷ thứ VI) ở làng Định Công có ba anh em họ Trần: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền. Nhờ có bàn tay khéo léo, lại thêm đức tính cần cù, chịu khó, nên họ đã học được nghề làm vàng bạc và mở cửa hàng lấy tên là “kim hoàn”. Những đồ vàng bạc do ba anh em họ làm ra rất tinh xảo, tiếng đồn khắp trong nước. 

  Những sản phẩm đậu bạc tinh xảo

Ba người anh em lại dạy cho dân làng cùng làm nghề, từ đó làng Định Công có nghề làm vàng bạc, từ đó truyền từ đời này qua đời khác, được khắp nơi biết tiếng. Trải qua năm tháng, nghề đậu bạc càng phát triển và trở thành một trong 4 nghề tinh hoa nhất Kinh thành Thăng Long.

Để có được một sản phẩm bạc đậu, những người thợ phải mất tới hàng chục ngày thậm chí cả tháng trời với những thao tác công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao. Người làm nghề phải nắm chắc 4 kỹ thuật cơ bản: trơn, đấu, chạm, đậu. Trong đó, kĩ thuật đậu bạc đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và nhỏ nhắn, tỉ mỉ. Sản phẩm đậu bạc đạt yêu cầu phải đậu đều tay, hàn luột, không đọng vảy và các chi tiết hài hòa, cân xứng. Mỗi sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật khắt khe về kỹ thuật nhưng lại tinh tuý ở giá trị thẩm mỹ và sử dụng. Bạc được dùng phải là loại 999 (trước gọi là bạc 10) thì mới có thể kéo thành các sợi chỉ nhiều kích cỡ khác nhau.

Nếu như trước đây, sản phẩm đậu bạc chỉ là những chiếc nhẫn, những đôi khuyên nhỏ thì nay các nghệ nhân kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại để thổi hồn cho các tác phẩm của mình. Có những sản phẩm như tranh đậu bạc phải mất trên một tháng mới hoàn thành.

Theo sử gia Phan Huy Chú, nghề đậu bạc làng Định Công đã có khoảng 1500 năm nay. Sản phẩm đậu bạc của Định Công nức danh khắp đất Kinh kỳ xưa và nhiều nghệ nhân được vào Kinh thành làm đồ trang sức cho Triều đình. Những năm đầu của thế kỷ XIX, làng Định Công có từ 50-60% gia đình theo nghề kim hoàn. Khi nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường, số gia đình theo nghề đậu bạc ở Định Công chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo thời gian, nghề đậu bạc ở Định Công gần như mai một, nhưng giữa vòng tranh tối tranh sáng đó vẫn còn những người yêu nghề, gắn bó và gìn giữ gia sản của cha ông.

Có khá nhiều thợ trẻ đã nhanh chóng nắm bắt được những bí quyết làm nghề và trở thành thợ giỏi. Một trong số đó là anh Quách Phan Tuấn Anh, con trai nghệ nhân Quách Văn Trường. Sinh năm 1981, khi còn nhỏ, Tuấn Anh không có ý định nối nghiệp đậu bạc. Tuấn Anh học Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân. Chính trong những ngày ngồi ghế giảng đường, khi mở mang kiến thức, Tuấn Anh nhận ra giá trị của nghề đậu bạc gia truyền. Vừa học đại học, Tuấn Anh vừa quyết tâm theo nghề của cha. Năm 2010, cuộc thi sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ Chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, hai cha con nghệ nhân Quách Văn Trường - Quách Phan Tuấn Anh cùng được trao chứng nhận “Sản phẩm thủ công tinh xảo”. “Nghệ nhân cha” được trao giải với tác phẩm “Rồng bạc”, còn “nghệ nhân con” được trao giải với tác phẩm “Trâu vàng”. 

  Anh Quách Phan Tuấn Anh, nghệ nhân hiếm hoi đang gìn giữ nghề đậu bạc truyền thống

Qua những hoa văn, hoạ tiết trang trí trên các sản phẩm, ta nhận thấy rõ đức tính kiên trì, sự thông minh khéo léo, óc sáng tạo của những người thợ kim hoàn Việt Nam nói chung và làng nghề Đậu bạc Định Công nói riêng.

Nghề đậu bạc liệu còn “đậu” lại?

Do sự vắng bóng trên thị trường một thời gian dài nên rất nhiều người không biết đậu bạc là gì, không biết cái hay cái đẹp của sản phẩm đậu bạc. Việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm khó khăn, khách hàng hạn chế.

Trước nguy cơ mai một làng nghề, UBND quận Hoàng Mai kết hợp cùng Chi hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Định Công đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho bạn trẻ trong quận có hứng thú với nghề đậu bạc để giữ nghề truyền thống.

Điểm chung cho tất cả các làng nghề truyền thống hiện nay là nguồn nhân lực kế cận đang cần tìm hướng đi đứng đắn. Nếu vấn đề này được giải quyết, chắc chắn nghề đậu bạc Định Công nói riêng và các làng nghề khác nói chung vẫn sẽ giữ được nét đẹp tinh hoa và ngày càng phát triển hơn.

Trung Hiếu