Nét đẹp độc đáo ứng dụng mỹ thuật vào các sản phẩm làng nghề

17:27 12/05/2022

Nói đến mỹ thuật là nói đến nghệ thuật, hiện nay đang chạm vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt trong thời đại 4.0 kinh tế hội nhập, việc phát triển mỹ thuật ứng dụng với các sản phẩm có thiết kế tốt sẽ góp phần xây dựng, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa nước nhà. Việc gia tăng những yếu tố truyền thống trong các sản phẩm nghệ thuật đời sống hiện đại sẽ mang lại thành công, cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn văn hóa, đóng góp hiệu quả cho cộng đồng và xã hội.

Việt Nam được biết đến với các giá trị văn hóa, chất liệu truyền thống được ứng dụng trong các sản phẩm phục vụ đời sống. Nhiều chuyên gia văn hóa nhận định, tính truyền thống không chỉ giúp cải thiện kế sinh nhai cho người dân mà còn tạo ra hàng trăm ngàn sản phẩm khác mang đậm hình ảnh văn hóa của Việt Nam.Các nhà thiết kế cần xem xét truyền thống làm nhịp cầu kết nối các giá trị mới, chứ không phải xem những sản phẩm làng nghề chỉ làm di tích của quá khứ. Thông qua việc khai thác giá trị vật thể và phi vật thể như phong tục, lễ hội, nghệ thuật dân gian, công trình kiến trúc... 

Ảnh minh họa
Sản phẩm làng nghề mây tre đan Liên Khê tỉnh Hưng Yên trong trang trí nội thất.

Tiêu biểu là làng nghề mây tre đan ở Tịnh Ấn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) và nhiều làng nghề khác đã có từ rất lâu đời, là nghề mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân nơi đây. Người dân tỉ mỉ tạo ra những sản phẩm, với nhiều mẫu mã đa dạng khác nhau như giỏ, mẹt, khung đèn,... đến nghề dệt may, điển hình như nghề dệt thổ cẩm Sapa, là một trong những nghề truyền thống lâu đời mang âm hưởng núi rừng Tây Bắc. Thổ cẩm là một loại vải được dệt thủ công với những họa tiết nổi trên bề mặt, đa dạng sắc màu muôn hình như chim muông, hoa lá, cỏ cây… Những sản phẩm thiết thực trong đời sống được tạo nên từ những tấm vải thổ cẩm như áo quần, khăn choàng, mũ... 

Ảnh minh họa
Các họa tiết  hoa văn trên các loại vải được sử dụng khéo léo nhằm tôn vinh văn hóa bản địa.

Trong tương lai, việc lồng ghép sáng tạo các sản phẩm thủ công từ các làng nghề truyền thống ở Việt Nam được đặt lên hàng đầu. Các sản phẩm được tạo ra sẽ giải quyết vấn đề kinh tế, duy trì các hoạt động sản xuất của địa phương và phát triển du lịch trải nghiệm. Khi kết nối với quá khứ, được truyền cảm từ các câu chuyện, tìm kiếm, khai thác và vận dụng những yếu tố, đặc điểm của văn hóa – lịch sử – ngành nghề cổ hay vật liệu địa phương… Những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển các làng nghề truyền thống, còn tồn tại một số hạn chế. Việc phát triển làng nghề thiếu tính bền vững, sản xuất phân tán, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là quy mô gia đình, cho nên việc đầu tư, cải tiến và áp dụng khoa học, công nghệ còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, các làng nghề thủ công, mỹ nghệ đang lâm vào tình trạng bế tắc về mẫu mã, cần được thổi những luồng gió sáng tạo để khơi thông. Cần sự cộng tác của những nghệ sỹ hoạt động lĩnh vực nghiên cứu và sáng tạo sản phẩm mỹ thuật công nghiệp ứng dụng giúp đỡ để những người làm nghề phát huy sáng tạo, lòng tự trọng nghề nghiệp mà cải tiến sản phẩm, đưa sản phẩm có tính mỹ thuật cao, ứng dụng tốt đáp ứng cuộc sống ngày một hiện đại nhưng không để mất đi giá trị truyền thống.

Nhu cầu của các đối tượng khách hàng và thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, các sản phẩm của các làng nghề cũng trở nên đa dạng và có tính ứng dụng cao. Những sản phẩm được xuất khẩu đã có vị thế quan trọng và khẳng định được thương hiệu của nghề truyền thống Việt Nam. Mỗi làng nghề đều có sản phẩm, mang nét đặc trưng và điểm thú vị riêng. Nhưng đằng sau những sự phát triển ngày càng hiện đại vẫn lưu lại những nét truyền thống của làng nghề. Hy vọng những nét đẹp này sẽ mãi được gìn giữ và được phát huy hơn nữa. Cùng chung tay chia sẻ và quảng bá cho làng nghề truyền thống Việt Nam!

Vũ Tiến