Nắm bắt cơ hội để đi đầu về blockchain từ sức hút startup blockchain Việt Nam

17:08 12/07/2022

Việt Nam là một thị trường tiềm năng với nhiều dư địa phát triển cho blockchain trong thời gian tới. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững, các startup và doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ này một cách sâu và bài bản thay vì chỉ “gắn mác” blockchain để gọi vốn.

Trong Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN của Bộ KH&CN phê duyệt Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025, blockchain được xếp thứ hai sau trí tuệ nhân tạo (AI). Chương trình trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 cũng đang triển khai, trong đó blockchain là một trong những công nghệ chủ chốt được ưu tiên. Nhiều cuộc hội thảo quốc tế về ứng dụng công nghệ blockchain đã được tổ chức.

Ảnh minh họa
 “Agora chọn Việt Nam là nơi tổ chức Hội nghị Blockchain toàn cầu lần thứ 10 bởi Việt Nam là thị trường tiềm năng với nhiều dư địa phát triển cho blockchain và có hàng loạt dự án startup chất lượng” - Ông Hadi Malaeb, đồng sáng lập và CEO của Agora Group nói

Ông Hadi Malaeb, đồng sáng lập và CEO của Agora Group - đơn vị chủ trì tổ chức Hội nghị Blockchain toàn cầu (GBC - Global Blockchain Congress) lần thứ 10, bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu về chuyển đổi số, phát triển công nghệ số tại Việt Nam cũng như niềm tin vào những chiến lược và tầm nhìn đột phá của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số. Trong đó, đề cao chính sách cởi mở, khuyến khích sự phát triển của các công nghệ mới giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của Chính phủ.

Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, trong số top 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain, có 7 doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập. Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia đi đầu về blockchain, hiện có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD.

Theo báo cáo của MarketsandMarkets, thị trường thiết bị liên quan đến blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021. Các công ty lớn như Genesis Coin, Coinsource, Paymynt đến từ Mỹ và Bitaccess, Coinkite từ Canada. Các công ty khác bao gồm Ledger (Pháp), SatoshiLabs (Cộng hòa Séc), Sirin Labs (Thụy Sĩ), Pundi X (Singapore), ShapeShift (Anh) và Samsung (Hàn Quốc)...

Trong cuộc khảo sát của Finder năm 2021 đối với 42.000 người trên 27 quốc gia, Việt Nam vượt 26 quốc gia để dẫn đầu về tỷ lệ người dùng tiền mã hóa. Finder chỉ ra tỷ lệ sử dụng tiền mã hóa (trong số những người được hỏi) tại Việt Nam là 41%, trong đó số lượng người đã mua Bitcoin là 20%. Trong khi đó tỷ lệ sử dụng tiền mã hóa ở Indonesia (30%), Ấn Độ (30%), Malaysia (29%), Philippines (28%), Hàn Quốc (23%), Singapore (19%). Anh và Mỹ là 2 quốc gia có tỷ lệ sử dụng tiền mã hóa thấp nhất bảng khảo sát, tương ứng con số 8 và 9%. Còn trong báo cáo hồi tháng 6/2021 của Cointelegraph, Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về tỷ lệ đầu tư bitcoin trong năm 2020.

Tuy nhiên, nhận thức về công nghệ blockchain ở Việt Nam vẫn chưa toàn diện. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhìn nhận blockchain chỉ như hoạt động kinh doanh tiền ảo, chỉ để phục vụ các dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, đầu cơ là chủ yếu, mà không thấy rằng blockchain có ứng dụng rất rộng rãi trong thương mại, quản trị doanh nghiệp hay hoạt động sản xuất, hoặc cho rằng đây là công nghệ rất cao siêu, hiện đại, khó với tới, chưa nhìn nhận công nghệ này ở góc độ gần gũi hơn với đời sống.  

Hiện tại, blockchain ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài sản số, tiền số. Ngoài một vài dự án crypto (tiền mã hóa) và blockchain Việt Nam nổi bật như Axie Infinity, Coin98, Kyber Network, TomoChain, KardiaChain… thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, thì phần lớn các ứng dụng blockchain tại thị trường Việt Nam vẫn chưa đạt được thành công nổi bật. Những tiềm năng ứng dụng khác của công nghệ blockchain như truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp, logistics, y tế, giáo dục,… chưa được ứng dụng nhiều.

Một trong những thử thách hàng đầu với doanh nghiệp và các start-up công nghệ blockchain là chi phí và nhân lực. Để xây dựng một app (ứng dụng) blockchain thì chi phí rất lớn, gấp 4-5 lần bình thường. Việc tìm kiếm lực lượng kỹ sư blockchain hay lập trình viên blockchain đang gặp nhiều khó khăn. Hành lang pháp lý về blockchain chưa đầy đủ, nên không ít công ty khởi nghiệp trong nước đã chọn giải pháp đặt văn phòng đại diện tại các nước đã có nền tảng pháp lý rõ ràng hơn để thuận tiện hoạt động, đặc biệt là gọi vốn dễ dàng hơn… Điều này gây chảy máu chất xám, thất thoát ngoại tệ, đồng thời tạo cơ hội cho những đối tượng lừa đảo trục lợi. 

Theo các chuyên gia, thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu ban hành mới, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ứng dụng công nghệ blockchain cũng như nghiên cứu chính sách, quy định pháp luật phù hợp để quản lý, thúc đẩy phát triển công nghệ blockchain tại Việt Nam. Trước mắt, khi chưa có luật, cần ban hành nghị định thí điểm. Ngoài ra, phải có sự quản lý để phát triển công nghệ số và ứng dụng công nghệ blockchain theo kịp sự phát triển hiện nay.  Để phát triển một cách bền vững, các startup và doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ này một cách sâu và bài bản thay vì chỉ “gắn mác” blockchain để gọi vốn.

Cùng nhìn sang Canada, nước có mức độ quan tâm lớn nhất với công nghệ blockchain hiện nay. Do chi phí năng lượng thấp, tốc độ Internet cao, quy định ưu đãi, có thể xem Canada là miền đất hứa với ngành công nghiệp blockchain và tiền ảo. Nhiều người nhận xét blockchain bùng nổ tại đây là nhờ một cá nhân duy nhất – Vitalik Buterin, tác giả Ethereum, một trong những nhân vật blockchain nổi tiếng nhất thế giới.

Liên minh Ethereum doanh nghiệp (EEA) nằm trong số các thành viên cốt cán của Viện Nghiên cứu blockchain (BRI). Theo Ron Resnick, Giám đốc điều hành liên minh, EEA sẽ kết nối blockchain Ethereum với các doanh nghiệp. BRI thành lập năm 2017 tại Toronto, nhằm xử lý các vấn đề mà blockchain đang gặp phải, cũng như trả lời các câu hỏi như: blockchain sẽ mang lại thay đổi và giải pháp nào, blockchain tác động gì đến khu vực công và tư nhân.

Từ đó tới nay, BRI dần trở thành một tổ chức nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, thúc đẩy các dự án liên quan đến blockchain trên toàn cầu. BRI đang thực hiện khoảng 100 dự án, từ giáo dục đến vận tải, và tập trung vào các ngành trọng yếu, bao gồm: viễn thông, năng lượng, công nghệ, dịch vụ tài chính, tài nguyên, bán lẻ, y tế, truyền thông, sản xuất. BRI được xem là những người tiên phong trong lĩnh vực blockchain, giảm chi phí để startup tiếp cận nghiên cứu và thực hiện các bước nhảy vọt dựa trên nó. Một trong những lý do blockchain “thịnh” tại Canada chính là việc tập trung vào đổi mới, hơn bất cứ thứ gì khác.

Bên cạnh đó, chính phủ Canada cùng các tổ chức trong nước không ngừng nghiên cứu và ứng dụng blockchain trong thực tiễn, đạt được các bước tiến đáng kể. Chẳng hạn, Ethereum ra đời ngày 30/7/2015 đã đặt nền móng cho công nghệ blockchain và đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Những người dùng đầu tiên của Ethereum sống tại Canada nhưng lan ra toàn cầu chỉ trong vài tháng. Tại thời điểm hiện tại, Ethereum là một trong các mạng được dùng rộng rãi nhất để phát triển blockchain nhờ tính thuận tiện và rõ ràng.

Cũng như Malta, Canada nhận ra sự cần thiết phải có các quy định phù hợp với các nhà đổi mới thay vì chống lại họ. Để thúc đẩy hơn nữa tính ứng dụng của blockchain, Ủy ban Chứng khoán British Columbia (BCSC) đã bổ sung các quy định linh hoạt cho ngành công nghiệp blockchain và tiền ảo. Năm 2017, BCBS đưa ba doanh nghiệp blockchain vào sandbox để cho phép họ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ và ứng dụng mới trên khắp cả nước. Những doanh nghiệp này hoàn toàn hợp pháp tại Canada và được hỗ trợ bằng nhiều sáng kiến khác nhau.

Lâm Nghi (t/h)