Một số doanh nghiệp may mặc đối mặt nguy cơ phá sản

07:53 15/09/2021

Trong bức thư kêu cứu gửi tới Thủ tướng Chính phủ gần đây, 7 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng may mặc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với 13.300 lao động phản ánh đang đối mặt với nguy cơ phá sản.

Tiền Giang đang là 1 trong 5 địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước, cộng đồng doanh nghiệp đã cố gắng gồng mình chung tay với Chính phủ để phòng chống dịch. Từ ngày 15/7, hầu hết các doanh nghiệp đều phải đóng cửa (chỉ còn một vài doanh nghiệp tổ chức được “3 tại chỗ”), vẫn chưa biết đến ngày nào được mở cửa trở lại, điều này đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Qua phản ánh, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản bởi hầu hết các khách hàng đã thông báo hủy đơn hàng, phạt xuất hàng bằng máy bay đối với những hợp đồng đã ký vì đơn hàng phải bán theo mùa. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã mua hết nguyên vật liệu sản xuất với chi phí lên hàng ngàn tỷ đồng.

Đáng lo hơn, hiện tại đang là thời điểm phát triển mẫu cho mùa năm sau nhưng các doanh nghiệp đã không thực hiện được. Có nghĩa, năm sau sẽ không có đơn hàng để duy trì hoạt động. Để lấy được 1 đơn hàng, doanh nghiệp phải đầu tư và phát triển mẫu trước ít nhất 6 tháng và phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ, nếu để mất 1 mùa thì sẽ mất luôn khách và thị trường. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chi trả chi phí thuê nhà xưởng, kho bãi, lãi suất ngân hàng, tiền lương công nhân... với số tiền không nhỏ. 

Tiêm vaccine sớm cho người lao động vẫn là giải pháp căn cơ giúp doanh nghiệp sớm mở cửa sản xuất.
Tiêm vaccine sớm cho người lao động vẫn là giải pháp căn cơ giúp doanh nghiệp sớm mở cửa sản xuất.. (Ảnh: PV)

Theo các doanh nghiệp, dù rất thông cảm cho các nhà sản xuất nhưng đối tác cũng phải gánh chịu nhiều thiệt hại, mất khách hàng và thị trường hiện có bởi không cung cấp kịp hàng ra thị trường như kế hoạch.

Quan trọng, đối tác đang mất dần lòng tin vào sự an toàn của thị trường Việt Nam và ra “tối hậu thư” đến 20/9 công ty không mở cửa trở lại thì phải chuyển đơn hàng sang thị trường khác. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không còn đơn hàng để sản xuất cho mùa cuối năm 2021 và năm 2022.

Đứng trước rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã khẩn thiết đề xuất Thủ tướng Chính phủ quan tâm và có giải pháp ứng cứu. Các doanh nghiệp mong muốn được ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động với tổng số 26.600 mũi. Đồng thời, ưu tiên cho các doanh nghiệp được mua vacxin để tiêm cho người lao động của mình, đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng và phục hồi sản xuất. Được tiêm vaccine cho người lao động không chỉ là nhu cầu của riêng doanh nghiệp nào mà là mong mỏi của cả cộng đồng doanh nghiệp may mặc trong nước. Bản thân các doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã rất chủ động tìm kiếm và đề xuất sự hỗ trợ của Chính phủ để mua được vaccine tiêm cho người lao động.

Xét trên kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam và 3 hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, doanh nghiệp điện tử, mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức ngay việc đàm phán với đối tác để mua và cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Trước đó, trong văn bản kiến nghị về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vaccine khẩn trương và hợp pháp để tiêm miễn phí cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu, 4 hiệp hội đề nghị được mua vaccine từ nguồn cung tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động. Các hiệp hội cho biết, đã chủ động tìm nguồn cung vaccine từ 1 tập đoàn tại UAE và kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với đối tác hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam có đủ điều kiện triển khai thủ tục nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động. Mọi chi phí để triển khai các hoạt động trên sẽ do các doanh nghiệp của các hiệp hội ngành hàng trực tiếp chịu trách nhiệm.

Việc tiêm vaccine cho người lao động vẫn là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp sớm mở cửa sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhập khẩu vaccine còn khó khăn, hạn chế số lượng, theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10, cần rút ngắn quy trình phê duyệt khẩn cấp vaccine nội địa để gia tăng nguồn cung. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải tiến hành chuyển đổi số, linh hoạt hơn trong sản xuất.

Mai Anh