Thời gian qua, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã được thực hiện ở hầu hết địa phương trên địa bàn tỉnh Long An, tạo ra các sản phẩm hàng hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chí khắt khe của thị trường. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt, các cấp, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ cơ sở sản xuất tích cực xúc tiến thương mại nhằm quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ để đưa sản phẩm OCOP đến gần với người tiêu dùng.
Nhiều sản phẩm được nâng tầm
Thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, tỉnh đã đánh giá, phân hạng được 42 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó, có 26 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 16 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể tham gia chương trình khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ. Ðây cũng là cơ hội để các làng nghề, cơ sở sản xuất phát huy, khai thác hết tiềm năng của mình. Nhiều sản phẩm đặc trưng sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia chương trình OCOP được sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chí chất lượng. Tất cả sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao dán trên bao bì sản phẩm.
Theo Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần Sản xuất, kinh doanh Đế Gò Đen (huyện Bến Lức) - Đặng Thanh Hùng, từ khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm của chúng tôi được giới thiệu tại các siêu thị lớn trên địa bàn trong và ngoài tỉnh như Co.opmart Long An, Co.opmart Đồng Nai,... và được cung ứng ra nhiều thị trường khác trong nước. Dự kiến, thời gian tới, Cty tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới, cụ thể là các sản phẩm rượu mang hương vị trái cây với nồng độ cồn thấp nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. “Hiện nay, tất cả sản phẩm của Cty đều được công nhận đạt chuẩn HACCP. Đây là tín hiệu tích cực và là điều kiện cần thiết để các sản phẩm của Cty có thể xuất khẩu và tiếp cận các thị trường khó tính trên thế giới. Định hướng thời gian tới, Cty sẽ hoàn tất các thủ tục để công nhận OCOP cho các sản phẩm mới" - ông Đặng Thanh Hùng cho biết.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam chia sẻ, Cty Cổ phần Sản xuất, kinh doanh Đế Gò Đen là một trong những chủ thể đầu tiên được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Hiện nay, Cty có 5 sản phẩm được công nhận OCOP xếp hạng 4 sao. Được biết, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của Cty đã có mặt tại nhiều hệ thống đại lý phân phối, chuỗi cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Điều này cho thấy các sản phẩm OCOP của Cty đã chinh phục được ngày càng nhiều đối tượng khách hàng.
Với 100% thành phần tinh dầu nguyên chất từ cây tràm gió được trồng tại Long An, sản phẩm dầu tràm Con Yêu của Cty TNHH Thương mại Sản xuất PURE (xã Tân Long, huyện Thủ Thừa) đã được công nhận và xếp hạng 4 sao OCOP cho sản phẩm của mình.
Theo Giám đốc Cty TNHH Thương mại Sản xuất PURE - Nguyễn Quốc Vũ, với trang thiết bị, máy móc hiện đại cùng nguồn nhân lực hiện có, mỗi năm, Cty cho ra thị trường khoảng 150.000 chai dầu tràm Con Yêu với thể tích 100ml/chai. Công suất tối đa của nhà máy có thể đạt đến 1 triệu chai mỗi năm, nếu đủ nguồn nguyên liệu. Ngoài tinh dầu tràm, Cty còn sản xuất thêm 24 dòng sản phẩm khác với thành phần hoàn toàn từ thiên nhiên.
“Chúng tôi phấn đấu để đưa nhiều sản phẩm ra thị trường và nhắm đến việc xuất khẩu trong tương lai. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa sản phẩm dầu tràm Con Yêu để hướng đến đạt chuẩn OCOP 5 sao. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang hoàn tất các thủ tục để công nhận sản phẩm OCOP cho 6 sản phẩm của Cty trong năm 2023” - ông Nguyễn Quốc Vũ chia sẻ.
Được người tiêu dùng đón nhận
Điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tiêu biểu, OCOP của tỉnh tại cửa hàng San Hà (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) được khai trương và hoạt động từ tháng 12/2021. Đây là nơi để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, OCOP của tỉnh với những sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý.
Chị Võ Thị Hiếu (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) cho biết: “Khi mua các sản phẩm OCOP tại cửa hàng San Hà, tôi không mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu xuất xứ hàng hóa, không lo lắng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Giá cả cũng phải chăng nên tôi rất hài lòng, yên tâm khi sử dụng”. Còn chị Lê Thị Trúc (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Khoảng cách từ nhà tôi đến cửa hàng khoảng 4km, song vì muốn dùng những sản phẩm sạch, có chất lượng nên tôi đến điểm trưng bày. Sản phẩm ở đây phong phú, đa dạng và có thương hiệu như trái cây sấy HG, rượu đế Gò Đen, lạp xưởng Cô Châu,... Giá cả cũng không quá cao so với giá bán ở chợ lại còn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên tôi luôn tin dùng”.
Tổng Giám đốc Cty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà thông tin: "Do nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh còn sản xuất theo mùa vụ nên hiện nay chỉ có một số sản phẩm được bày bán tại cửa hàng để phục vụ người tiêu dùng. Chúng tôi mong muốn trở thành điểm giới thiệu đặc sản địa phương đến người tiêu dùng, góp phần phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ đầu ra ổn định nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho người dân".
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan, những gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP là nơi quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng. Đồng thời cũng là điểm cung cấp, hỗ trợ người tiêu dùng nhận diện, thẩm định, đánh giá chất lượng sản phẩm, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm OCOP.
"Nhằm nâng cao sức tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025, Sở sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương khuyến khích, hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, Sở tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân" - bà Hồ Thị Ngọc Lan thông tin.
P.L (Theo Bùi Tùng - L.A.O)