Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2, UPCoM: VSF) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với doanh thu thuần sụt giảm 24% so cùng kỳ, về còn 2.804 tỷ đồng.
Giá vốn giảm khi chiếm 2.523 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp đạt mức khá 281 tỷ đồng, tăng gần 60% so cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cải thiện lên 10% so mức 4,7% của cùng kỳ.
Tuy nhiên kỳ này hoạt động tài chính tiếp tục lỗ 17 tỷ đồng, cộng thêm các khoản chi phí đều tăng mạnh như bán hàng chiếm 159 tỷ, quản lý doanh nghiệp 111 tỷ đồng. Do đó, Vinafood 2 ghi nhận lỗ thuần gần 5 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 68 tỷ của cùng kỳ.
Mặc dù ghi nhận gần 10 tỷ đồng lợi nhuận khác (cùng kỳ lỗ 5 tỷ) nhưng sau cùng Vinafood 2 vẫn lỗ ròng 5,6 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 80 tỷ của cùng kỳ. Con số âm này nâng lỗ lũy kế của Vinafood 2 lên tới 2.800 tỷ đồng do trước đó công ty ghi nhận 12 năm liên tiếp chìm trong thua lỗ.
Lý giải cho nguyên nhân thua lỗ thường xuyên, Vinafood 2 cho biết, do thiếu vốn để thực hiện sản xuất kinh doanh nên ảnh hưởng đến hoạt động mua vào. Đồng thời bộ máy kinh doanh yếu và thiếu nhân sự, đặc biệt ở các đơn vị phụ thuộc rất bị động trong kinh doanh.
Ngoài ra, Vinafood2 mới khai thác và phát triển thị trường thương mại (từ sau cổ phần hóa đến nay) nên thị phần còn thấp, sản lượng bán ra và doanh thu còn hạn chế. Giá thành sản phẩm sản xuất của đơn vị cao, không đủ năng lực cạnh tranh.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ, năm 2022 Vinafood 2 đặt mục tổng doanh thu công ty mẹ đạt 8.520 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1,6 tỷ đồng. Còn kế hoạch hợp nhất là 15.717 tỷ đồng doanh thu và 104 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy kế hoạch cả năm của Vinafood 2 còn rất xa so với kế hoạch.
Tại thời điểm cuối kỳ, Vinafood 2 đang vay nợ tài chính ngắn và dài hạn tới 4.332 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng gấp đôi lên 2.935 tỷ đồng. Dự phòng các khoản phải thu khó đòi lên tới 1.276 tỷ đồng. Tiền mặt và gửi ngân hàng gần 500 tỷ đồng.
Vinafood 2 có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó vốn góp Nhà nước chiếm 51,43%, Tập đoàn T&T chiếm 25%, còn lại là các nhà đầu tư khác.
PV