Nhiều thành tựu nổi bật, đột phá
Từ một thị xã với điểm xuất phát thấp, trải qua 20 năm xây dựng, đến nay, TP. Đồng Hới đã từng bước vươn lên thành đô thị khang trang, văn minh, hiện đại. Kinh tế thành phố từng bước phát triển, đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách hàng năm đạt và vượt dự toán giao với tỷ lệ vượt thu khá cao, tổng thu ngân sách từ năm 2004 đến tháng 4/2024 đạt 17.178 tỷ đồng.
Công nghiệp tiếp tục phát triển, từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của thành phố, giai đoạn 2004-2024 giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 5,42%/năm. Toàn thành phố có 6 cụm công nghiệp và 1 điểm tiểu thủ công nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả. Nông nghiệp của thành phố phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển dịch cơ cấu phù hợp với quá trình đô thị hóa. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 3,91%/năm.
Với mục tiêu phát triển mạnh các ngành dịch vụ, coi phát triển dịch vụ là lĩnh vực đột phá của nền kinh tế thành phố, trong đó phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố đã định hướng và chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện thương mại, dịch vụ phát triển, mở rộng về quy mô, bước đầu phát huy được những tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch được đầu tư nâng cấp và từng bước hoàn thiện, nhất là siêu thị, chợ; hệ thống khách sạn, nhà hàng...; đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu du lịch Khe Chuối (Quang Phú), bãi tắm Bảo Ninh 2; mở rộng và nâng cấp hạ tầng các bãi tắm biển Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú; cải tạo chỉnh trang khu vực tượng đài Mẹ Suốt; hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại phố đi bộ, nâng cấp quảng trường biển Bảo Ninh...
Số lượng cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng cao cấp ngày càng tăng; các sản phẩm, loại hình du lịch mới được đa dạng hóa và phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của du khách; phát huy được tiềm năng, lợi thế của thiên nhiên, văn hóa địa phương để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư địa phương.
Nhờ đó, năm 2023-2024, có trên 2.906.000 lượt khách du lịch đến Đồng Hới; bình quân giai đoạn 2004-2024 tăng 6,63%/năm. Đặc biệt, tháng 2/2023, TP. Đồng Hới được Booking.com công bố giải thưởng thường niên Traveller Review Award 2023 tôn vinh là 1 trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2023.
Nhiều công trình trọng điểm được xây dựng, quản lý, khai thác tốt, tạo điểm nhấn cho thành phố, như: Sân bay Đồng Hới, cầu Nhật Lệ 2, quảng trường biển Bảo Ninh 1, 2, công viên Nhật Lệ...; các dự án khu đô thị, khu dân cư, như: Khu đô thị Bảo Ninh 1, Bảo Ninh 2, khu đô thị mới phường Phú Hải...
Ngoài ra, thành phố cũng thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài địa bàn đầu tư các dự án thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho lao động, như: Siêu thị Co.opmart, trung tâm thương mại và khách sạn của Tập đoàn Vingroup, khu du lịch nghỉ dưỡng Sun Spa Resort... Tất cả đã tạo nên bộ mặt đô thị Đồng Hới ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp và khang trang với 9/9 phường đạt chuẩn đô thị văn minh.
Thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2021-2024, thành phố đã lắp đặt 31 điểm wifi miễn phí tại các bãi biển, điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử văn hóa để phục vụ đông đảo người dân và du khách. Các dịch vụ, như: Vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng, mua sắm... ngày càng phát triển mạnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách và người dân thành phố.
Giữ gìn bản sắc đô thị
Thành phố quan tâm đầu tư khôi phục và phát triển các lễ hội truyền thống, tạo được điểm nhấn, ấn tượng lớn đối với nhân dân địa phương và du khách, như: Lễ hội cầu ngư, lễ hội rằm tháng giêng, lễ hội cù, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ, hội bài chòi... Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới được tổ chức hàng năm ngày càng quy mô, chuyên nghiệp đã và đang trở thành một hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc trưng “riêng có” của TP. Đồng Hới nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; quảng bá giới thiệu tiềm năng thế mạnh về du lịch Đồng Hới, thu hút du khách, quảng bá xúc tiến phát triển du lịch.
Đặc biệt, công trình văn hóa lớn mang ý nghĩa chính trị quan trọng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình, Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ được tỉnh đầu tư xây dựng đã tạo một điểm nhấn ấn tượng cho thành phố, không chỉ thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng thành kính đối với Bác Hồ mà còn góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội của đô thị Đồng Hới theo hướng văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập, phát triển.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, trong 6 xã của thành phố có 2 xã: Đức Ninh và Quang Phú được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao; xã Thuận Đức và Nghĩa Ninh hoàn thành 19/19 tiêu chí đạt xã NTM; 2 xã còn lại: Lộc Ninh đạt 18/19 tiêu chí và Bảo Ninh đạt 17/19 tiêu chí NTM.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, y tế, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, dân số, gia đình và trẻ em... có nhiều chuyển biến tích cực, các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết. Nếp sống đô thị đã được hình thành rõ nét trong sinh hoạt của người dân thành phố. Năm 2004, thành phố có 87% hộ đạt gia đình văn hóa, 12% thôn, tiểu khu văn hóa; đến năm 2023, có 97% hộ đạt gia đình văn hóa và 88,3% thôn, tổ dân phố văn hóa.
Hiện nay, 137/137 thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố có nhà văn hóa khang trang với đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho các sinh hoạt cộng đồng. Công tác giảm nghèo được thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo từ 7,65% năm 2004 giảm xuống còn 0,28% năm 2023. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể...
Bước tiến quan trọng của thành phố là việc xây dựng đô thị thông minh, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước và xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn. Thành phố đã đưa vào vận hành hiệu quả các phân hệ của đô thị thông minh, như: Ứng dụng công dân thông minh; giám sát, điều hành giao thông; hệ thống camera giám sát an ninh; hệ thống giám sát, cảnh báo ngập lụt; phát triển và nâng cấp hệ thống quản lý hạ tầng đô thị. Điểm nổi bật là khai thác hiệu quả ứng dụng công dân thông minh “DongHoi SmartCity” và đến nay, có hơn 40.000 lượt đăng ký, sử dụng và tiếp nhận hơn 700 ý kiến của người dân phản ánh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, TP. Đồng Hới vẫn còn một số tồn tại, như: Sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; công tác quản lý đô thị, quy hoạch, xây dựng hạ tầng vẫn còn một số bất cập; nếp sống văn minh đô thị chuyển biến chưa mạnh...
Với vị thế đặc biệt và những kết quả đạt được, trong những năm tới, TP. Đồng Hới quyết tâm tạo bước đột phá mạnh mẽ trên các lĩnh vực, hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II theo hướng phát triển bền vững, hiện đại; tiếp tục phát huy tốt những tiềm năng và lợi thế, thực hiện tốt vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh, xây dựng Đồng Hới trở thành thành phố du lịch, giàu đẹp, văn minh bên dòng sông Nhật Lệ.
Hoàng Ngọc Đan (Chủ tịch UBND TP Đồng Hới, Quảng Bình)
Chùm ảnh Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Thành phố Đồng Hới (16/8/2004 - 16/8/2024):