Kiên Giang: Đầu tư 17.400 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

08:49 12/03/2021

Tỉnh Kiên Giang đang nỗ lực có 100% xã (116/116 xã) đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 với mức kinh phí đầu tư xây dựng dự kiến khoảng 17.400 tỷ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, tính đến thời điểm này toàn tỉnh có 81/116 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 69,8%, vượt 18% so kế hoạch đề ra; có 3 huyện là Giồng Riềng, Gò Quao và Tân Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới.

Mô hình trồng khóm ở xã Bình An, huyện Châu Thành mang lại thu nhập tốt cho người dân tại địa phương (Ảnh: Thiên Thiên)
Mô hình trồng khóm ở xã Bình An, huyện Châu Thành mang lại thu nhập tốt cho người dân tại địa phương (Ảnh: Thiên Thiên).

Trong năm 2020 vừa qua, tỉnh tập trung các nguồn vốn hơn 732 tỷ đồng thực hiện xây dựng nông thôn mới, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế, nhất là hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa,… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Cụ thể, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được cứng hóa với tổng chiều dài hơn 6.365km, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, tạo điều thuận lợi cho phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa. Tiếp đến, hệ thống thủy lợi ngày càng được đầu tư đồng bộ, xây dựng hoàn thiện nhiều công trình cống, đập, đê sông, đê biển phục vụ sản xuất, nhất là vùng chuyên canh lúa, nuôi trồng thủy sản tập trung. Tỉnh hình thành nhiều cánh đồng lớn sản xuất lúa, vùng nuôi tôm tập trung theo phương pháp thâm canh, bền vững về môi trường sinh thái, hiệu quả. Từ các chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới, cộng với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất hợp lý, đã giúp người dân nông thôn tăng thu nhập đáng kể, đời sống không ngừng cải thiện, hiện tại thu nhập bình quân đầu người ở Kiên Giang đạt 59 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 1,69%.

Lưới điện và đường giao thông nông thôn ở xã Luỳnh Huỳnh, huyện Hòn Đất
Lưới điện và đường giao thông nông thôn ở xã Luỳnh Huỳnh, huyện Hòn Đất.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu xây dựng 116/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới có ít nhất 30 xã nông thôn mới nâng cao, 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 10 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, có từ 1 huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới cả giai đoạn này khoảng 17.400 tỷ đồng.

Riêng năm nay 2021, tỉnh phấn đấu xây dựng 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 huyện, thành phố đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là Vĩnh Thuận, Kiên Lương và thành phố Hà Tiên, mỗi huyện nông thôn mới có từ 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%, sử dụng nước sạch sinh hoạt 62%, giải quyết việc làm cho 35.000 lượt lao động trở lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giữ ở mức 1%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 90%.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cho người dân nông thôn. Tỉnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, các chuỗi liên kết sản xuất, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.Tỉnh chú trọng đầu tư Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu 30-50 sản phẩm đạt 3 sao trở lên; trong đó có ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm 5 sao cấp tỉnh và ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Tổng kinh phí thực hiện chương trình OCOP Kiên Giang năm 2021 dự kiến khoảng 64 tỷ đồng.

 Trần Hà