Năm 27 tuổi, Bernard Meyer rời Hoa Kỳ để chuyển đến Lithuania, quốc gia được xếp hạng hạnh phúc nhất thế giới cho giới trẻ. Sau hơn một thập kỷ sinh sống tại Đông Bắc Âu, Meyer cho biết việc kiếm ít tiền hơn là một sự hy sinh đáng giá để đổi lại chất lượng cuộc sống tốt hơn rất nhiều.
Hiện là Giám đốc Sáng tạo và Truyền thông cấp cao tại nền tảng tự động hóa tiếp thị Omnisend, Meyer đã định cư tại thủ đô Vilnius của Lithuania từ năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2008.
“Tôi có hai lựa chọn: quay lại làm việc tại Starbucks sau khi tốt nghiệp hoặc lấy bằng và đi dạy tiếng Anh ở nước ngoài,” người đàn ông 39 tuổi chia sẻ với CNBC Make It.
Ban đầu, Meyer nhận công việc dạy tiếng Anh ở Mông Cổ vào năm 2009. Sau đó, khi đến thăm anh trai ở Vilnius, anh quyết định ở lại vài tháng và gặp gỡ bạn gái người Lithuania, người sau này trở thành vợ của anh.
Cuộc sống ở Vilnius mang đến cho Meyer một trải nghiệm hoàn toàn khác so với những gì anh từng biết ở Hoa Kỳ.
“Tôi nhận thấy ở đây nhịp sống chậm rãi hơn, nhưng không đến mức nhàm chán,” Meyer giải thích. “Mọi người không quá bận rộn với việc kiếm tiền hay luôn nói về chính trị như ở Hoa Kỳ.”
Sau khi hoàn thành hợp đồng giảng dạy tại Đài Loan, Meyer quyết định trở về Vilnius và đã ổn định cuộc sống tại đây cùng vợ và hai con gái.
Lithuania: Quốc gia hạnh phúc nhất cho người dưới 30 tuổi
Lithuania đã thu hút nhiều người trẻ bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Năm 2024, Lithuania được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới cho người dưới 30 tuổi trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, và hạng 19 toàn cầu.
“Mười năm trước, điều này có vẻ khó tin. Người Lithuania có câu thành ngữ rằng họ chỉ hạnh phúc khi nhà của hàng xóm bị cháy.”, Meyer nhận xét về bảng xếp hạng.
Lúc đó, đất nước đang đối mặt với khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng hiện tại, mọi thứ đã thay đổi, và theo Meyer, Lithuania đã trở thành một nơi lý tưởng cho người trẻ. Quốc gia này đã áp dụng các chương trình thu hút lao động nước ngoài có tay nghề cao, bao gồm việc xử lý thị thực nhanh chóng và hỗ trợ tài chính cho người lao động dài hạn.
Ba lợi ích chính
Meyer đã liệt kê ba lợi ích chính khi sống tại Lithuania.
Chất lượng cuộc sống cao hơn:
Meyer bắt đầu làm việc trong lĩnh vực giáo dục tại Vilnius trước khi chuyển sang ngành tiếp thị nội dung vào năm 2016. Dù thu nhập thấp hơn so với đồng nghiệp ở Mỹ, nhưng Meyer cho biết anh có chất lượng cuộc sống tốt và sở hữu cả một căn hộ tại Vilnius và một ngôi nhà nghỉ mát.
Theo cơ sở dữ liệu Numbeo, chi phí sinh hoạt tại Lithuania thấp hơn khoảng 41% so với ở Hoa Kỳ, bao gồm cả tiền thuê nhà. Meyer nhấn mạnh rằng mặc dù thu nhập thấp hơn, nhưng sự khác biệt về mức sống là đáng kể, đặc biệt là trong việc tiếp cận dịch vụ y tế miễn phí.
Cân bằng giữa công việc và cuộc sống:
Vilnius đang nổi lên như một “trung tâm công nghệ mới”, với hơn 890 công ty khởi nghiệp và một khuôn viên công nghệ đang được xây dựng, dự kiến tạo ra 5.000 việc làm kỹ thuật số. Dù văn hóa hối hả tồn tại, nhưng Meyer nhận thấy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống ở đây tốt hơn so với Hoa Kỳ.
Cảm giác an toàn hơn:
Meyer cũng chia sẻ rằng anh cảm thấy an toàn hơn khi sống ở Lithuania. Ở đây, anh không phải lo lắng về các vấn đề bạo lực hay phân biệt chủng tộc. Là người da đen, anh cảm thấy ít bị để ý và áp lực hơn tại Vilnius, một trải nghiệm hoàn toàn khác so với cuộc sống ở Mỹ.
Trâm Anh