Khu vực châu Á mở đường cho ngành công nghiệp chế tạo người máy lĩnh vực y tế

10:50 18/12/2021

Ngành công nghiệp chế tạo rô-bốt sử dụng trong lĩnh vực y tế của khu vực châu Á đang phát triển nhanh chóng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Tiến bộ công nghệ hiện đại tạo điều kiện cuộc sống đủ đầy kéo dài tuổi thọ con người nhưng mặt khác dẫn đến tình trạng dân số già. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tại khu vực châu Á chiếm khoảng 60% dân số toàn cầu, tốc độ già hóa nhanh hơn so với phương Tây. Ví dụ, số lượng người trên 65 tuổi ở châu Á dự kiến ​​sẽ tăng 314% từ 207 triệu người năm 2000 lên 857 triệu người vào năm 2050. Hệ quả là lực lượng lao động châu Á dự kiến sẽ giảm hàng trăm triệu người trong những năm tới. 

Trung Quốc dự kiến ​​sẽ giảm 170 triệu người trong độ tuổi lao động trong ba thập kỷ tới. Tương tự, ở Singapore, dân số trên 65 tuổi được dự đoán sẽ tăng từ 14% vào năm 2019 lên 25%. Trong khi đó, Selina Seah, giám đốc Trung tâm Công nghệ Rô-bốt và Hỗ trợ Chăm sóc Sức khỏe (CHART) của Singapore, cho biết đất nước này đang phải đối mặt với “ba cơn sóng thần” trong lĩnh vực y tế là dân số già, lực lượng lao động thu hẹp và các bệnh mãn tính gia tăng.

Y tế là một lĩnh vực đặc biệt dễ bị tổn thương, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán sẽ thiếu 18 triệu nhân viên y tế vào năm 2030 , chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do tốc độ gia tăng dân số trong khu vực giảm mạnh, vốn đã ở mức âm ở Nhật Bản và dự kiến ​​sẽ bằng không đối với toàn bộ khu vực châu Á vào năm 2050.

Ngành công nghiệp chế tạo người máy đang phát triển nhanh chóng, xuất hiện tại mọi giai đoạn và quy trình từ xử lý thủ tục giấy tờ, vận chuyển đến khám chữa bệnh lâm sàng,... Có rất nhiều lý do để các quốc gia châu Á, đặc biệt là Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan nên tập trung vào công nghệ robot để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của công dân trong những năm đầy thách thức sắp tới.

Châu Á hiện ước tính sử dụng 65% số lượng rô-bốt trên thế giới đồng thời trở thành khu vực có sản lượng người máy cao nhất. Nhật Bản là quốc gia sử dụng công nghệ cao hàng đầu thế giới và là nhà sản xuất cũng như xuất khẩu số một chiếm 55% tổng sản lượng. Hơn nữa, các chiến lược đổi mới của Nhật Bản đang kết hợp AI và rô-bốt để giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp và tăng trưởng kinh tế. Có thể kể đến như người máy hỗ trợ con người (HSR) của Toyota là một nền tảng kết hợp rô-bốt với yếu tố con người để cung cấp dịch vụ chăm sóc cơ bản và hỗ trợ điều dưỡng trong các cơ sở chăm sóc dài hạn. 

Trong khi đó, bệnh viện Đa khoa Changi của Singapore (CGH, một cơ sở y tế hàn lâm 1000 giường chăm sóc cho hơn 1 triệu người) đã lắp đặt hơn 50 rô-bốt làm nhân viên, tham gia vào nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ thực hiện phẫu thuật đến xử lý hành chính. Một chuyên gia trong ngành chia sẻ: "Chúng tôi từng nghĩ rằng bệnh nhân lớn tuổi sẽ không thích người máy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người thích thú với rô-bốt có kích thước như người thật. Họ cảm thấy như quay trở lại thời thơ ấu, tương tác với máy móc cho kết quả điều trị tích cực hơn so với con người".

Trung tâm Y tế Seoul của Hàn Quốc sử dụng ba loại rô-bốt để giúp nhân viên y tế điều trị bệnh nhân nhiễm vi rút Corona, bao gồm rô-bốt đo thân nhiệt; rô-bốt khử trùng; rô-bốt vận chuyển quần áo và các vật dụng đến khu vực xử lý. Tại Đài Loan, một công ty khởi nghiệp Brain Navi Biotechnology đã tạo ra máy móc hỗ trợ phẫu thuật não. Nền tảng này sử dụng thị giác máy, công nghệ người máy và các thuật toán để tạo hình ảnh thời gian thực, phẫu thuật chính xác và quy trình phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. 

Một cải tiến khác là IoT Cold Chain giám sát và kiểm soát độ lạnh để bảo quản vắc xin, trong khi Robot CARA hỗ trợ nhân viên y tế cung cấp thuốc và thực phẩm trong bệnh viện cũng như các địa điểm cách ly. Trung Quốc cũng đã tăng cường sử dụng rô-bốt sau đại dịch phân phối thức ăn để đảm bảo cách xa xã hội, giám sát việc đeo khẩu trang, đo nhiệt độ của người và hướng dẫn bệnh nhân đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống dịch bệnh.

Mức độ thâm nhập ngành rô-bốt công nghệ cao của các quốc gia Đông Nam Á vượt trội hơn hẳn so với nhiều khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Những người máy dịch vụ mới trở thành động lực quan trọng thúc đẩy năng suất, khả năng cạnh tranh toàn cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống. Áp dụng rộng rãi rô bốt được công nhận là một dấu hiệu tích cực trong công cuộc phát triển và tiến bộ. 

TL