Không phải Trung Quốc, Nhật Bản mới là nhà đầu tư lớn nhất vào cơ sở hạ tầng Đông Nam Á

00:00 12/10/2020

Dù kinh tế trì trệ suốt thời gian dài, Nhật Bản vẫn đang dẫn dầu trên đường đua đầu tư vào cơ sở hạ tầng Đông Nam Á. Theo sát sau Nhật và đang tận dụng triệt để sức mạnh của đầu tư để tạo ảnh hưởng tới các quốc gia láng giềng là Trung Quốc.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư hàng đầu vào cơ sở hạ tầng Đông Nam Á, với tổng giá trị đầu tư trị giá 367 tỉ USD, theo báo cáo của Fitch Solutions. Đứng thứ hai là các dự án đầu tư từ Trung Quốc với trị giá 255 tỉ USD.

Các dự án đầu tư của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào Philippines, Singapore và Việt Nam.

Kinh tế Nhật Bản bị đánh giá là đang "mắc kẹt trong vũng lầy" suốt ba thập niên qua. Trung Quốc đã nhanh chóng vượt qua quốc gia này và phát triển tới quy mô kinh tế lớn gấp ba lần Nhật Bản.

Những ai theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng sẽ không còn lạ gì với các dự án đầu tư tầm cỡ của Trung Quốc tại các nước như Malaysia và Philippines. Cụ thể tại Malaysia, Trung Quốc đã thắng thầu dự án tuyến đường sắt bờ Đông. Đây là một trong số hàng chục dự án phát triển cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang triển khai trên toàn thế giới. Chúng là những bước đi tiếp theo trong tiến trình toàn cầu hóa và bành trướng quy mô địa chính trị của quốc gia tỉ dân.

Nhiều người tin rằng Trung Quốc đang nhắm tới những quốc gia có vị trí chiến lược, đưa họ vào "bẫy nợ" và sau đó tước quyền sở hữu các tài sản quan trọng. Ảnh: ©2015 Bloomberg Finance LP.

Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng của Philippines nhằm thúc đẩy sáng kiến "Xây dựng, xây dựng, xây dựng" của tổng thống Philippines Duterte và hứa hẹn sẽ đem lại một "kỷ nguyên vàng cho cơ sở hạ tầng" của quốc gia này.

Vấn đề ở đây là các dự án này đều không mang tính kinh tế. Chúng đều được xây dựng ở mức giá trị bị thổi phồng và biến các nước nhận đầu tư trở thành những con nợ của Trung Quốc.

Chẳng hạn tại Sri Lanka. Quốc gia này đã vay số tiền lớn từ Trung Quốc để các nhà thầu của họ nâng cấp cảng. Khi Sri Lanka không thể chi trả khoản vay, Trung Quốc xiết nợ và tuyên bố chủ quyền trên hai cảng lớn của quốc gia này.

Điều này làm bùng lên cáo buộc rằng Trung Quốc đang nhắm tới những quốc gia có vị trí chiến lược, đưa họ vào "bẫy nợ" và sau đó tước quyền sở hữu các tài sản quan trọng.

Đó là lý do vì sao nhiều nước Đông Nam Á hiện đang cố gắng để tái thương thuyết lại các điều khoản của những dự án đầu tư đã đặt bút ký với Trung Quốc.

Tháng 8.2018, thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã hủy bỏ dự án tuyến đường sắt bờ Đông, buộc Trung Quốc phải ngồi trở lại bàn đàm phán. Malaysia sau đó đã ký kết một hợp đồng mới, với chi phí gia giảm hơn nhiều so với trước đây.

Vẫn chưa rõ liệu những khoản đầu tư khủng vào cơ sở vật chất của các quốc gia láng giềng cụ thể sẽ giúp Nhật Bản vượt lên Trung Quốc như thế nào. Nhưng có một điều chắc chắn: cả hai quốc gia sẽ vẫn tiếp tục hối hả trên đường đua kiểm soát các nguồn lực chiến lược của Đông Nam Á.

PV