Xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhẹ bất chấp nhu cầu toàn cầu trở nên suy yếu

17:05 07/08/2022

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng nhanh trong tháng 7, tạo ra động lực đáng khích lệ cho nền kinh tế khi nước này đang phải vật lộn để phục hồi sau đợt sụt giảm mạnh do Covid gây ra. Tuy nhiên, trái với tín hiệu tích cực từ xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu của nước này lại thấp hơn so với dự báo.

Tàu container cập cảng Nam Kinh, Trung Quốc vào ngày 13 tháng 7 năm 2022.

Tàu container cập cảng Nam Kinh, Trung Quốc vào ngày 13 tháng 7 năm 2022.

Xuất khẩu tháng 7 tăng nhanh nhất trong năm nay

Dữ liệu hải quan chính thức vào ngày 7/8 cho biết, xuất khẩu đã tăng 18% trong tháng 7 so với một năm trước, tốc độ nhanh nhất trong năm nay, con số này tăng so với mức tăng 17,9% trong tháng 6 và đánh bại dự báo của các nhà phân tích là 15%.

Các nhà phân tích dự kiến ​​xuất khẩu sẽ giảm trong bối cảnh tiêu dùng toàn cầu ngày càng có dấu hiệu hạ nhiệt.

Một cuộc khảo sát nhà máy toàn cầu được công bố vào tuần trước cho thấy nhu cầu bắt đầu suy yếu trong tháng 7, với đơn đặt hàng và chỉ số sản lượng giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu vào đầu năm 2020.

Cuộc khảo sát làm dấy lên lo ngại rằng sự phục hồi của nền kinh tế sau các đợt phong tỏa trên diện rộng sẽ chậm hơn và gập ghềnh hơn dự kiến.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu đáng mừng cho thấy sự gián đoạn trong vận chuyển và chuỗi cung ứng đang tiếp tục giảm bớt, đúng thời điểm các chủ hàng chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm cao điểm vào cuối năm.

Theo số liệu của hiệp hội cảng trong nước, sản lượng container ngoại thương tại 8 cảng lớn của Trung Quốc đã tăng 14,5% trong tháng 7, tăng nhanh so với mức tăng 8,4% trong tháng 6.

Kim ngạch nhập khẩu thấp hơn dự kiến

Tuy nhiên, trái với xuất khẩu, triển vọng tăng trưởng nhập khẩu yếu hơn dự kiến, cho thấy tiêu dùng nội địa của Trung Quốc vẫn ở mức thấp.

Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 thấp hơn dự báo khi chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Dẫu vậy, kết quả này vẫn khá khẩm hơn so với mức tăng 1% trong tháng 6.

Các nhà phân tích dự kiến nhập khẩu sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm, thúc đẩy bởi nhu cầu thiết bị và hàng hóa liên quan đến lĩnh vực xây dựng khi chính phủ nước này tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Tháng trước, Trung Quốc đạt mức thặng dư thương mại kỷ lục 101,26 tỷ USD do giá trị nhập khẩu thấp nhưng xuất khẩu tăng trưởng vững chắc.

Tuần trước, nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của nước này cho biết, nền kinh tế đang trong “thời kỳ quan trọng” của sự ổn định và phục hồi, và quý thứ ba tới sẽ là rất “quan trọng”.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu gần đây đã dự đoán rằng mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% cho năm 2022 của chính phủ có thể sẽ khó đạt được.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào cuối tháng 7 đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống 3,3% từ 4,4% trong tháng 4, với lý do các lệnh phong tỏa và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của nước này ngày càng trở nên trầm trọng.

Lyly