Theo ông Nguyễn Tiến Quyết, chủ nhân Xưởng chế tác than đá mỹ nghệ Quyết Bình (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) là đời thứ 3 trong gia đình duy trì nghề chế tác than đá. Ông có thâm niên gần 20 năm theo nghề điêu khắc trên than đá. Được thừa hưởng nghề gia truyền, có chuyên môn về hội họa, khi du lịch Quảng Ninh bắt đầu phát triển, anh chế tác than đá thành các sản phẩm mỹ nghệ dành cho du khách. Anh Quyết, chia sẻ: "Bên cạnh kỹ thuật truyền thống, tôi có những sáng tạo riêng, nâng tầm kỹ thuật khắc nổi, mài, nhằm tạo chiều sâu cho tác phẩm.
Lễ khai mạc nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh.
Anh chia sẻ thêm để làm ra một sản phẩm than đá trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Đầu tiên là thửa phôi, các nghệ nhân lựa chọn phôi than nguyên khối phù hợp với tác phẩm định tạc, điêu khắc, rồi cưa theo định hình sản phẩm. Bước thứ hai là vệ sinh, rửa phôi than sạch sẽ bằng nước để lộ nguyên thổ than.
Bước thứ ba là chế tác gồm các công đoạn cưa, cắt, đục, mài, gọt giũa than theo ý tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Bước thứ tư là đánh giấy ráp tạo độ bóng, mịn cho tác phẩm. Cuối cùng là khắc chữ, chỉnh sửa, gọt giũa, trau chuốt tác phẩm trước khi xuất xưởng ra thị trường.
Mỗi tác phẩm điêu khắc than thể hiện sự kết tinh của sự sáng tạo, bàn tay khéo léo và sự say mê với nghề. Khâu khó nhất của nghề điêu khắc than là căn chỉnh tạo hình trên bề mặt than, khắc tạc các chi tiết nhỏ, các đường khắc vẽ cong tạo sự mềm mại cho sản phẩm. Tất cả đều phải dùng loại dao khắc, vẽ riêng biệt. Các sản phẩm lưu niệm tùy theo kích cỡ và mức độ phức tạp có thể mất vài ngày đến hàng tháng để hoàn thiện.
Các tác phẩm điều khắc từ than đá được bày bán ngoài thị trường nâng cao thu nhập cho các nghệ nhân.
Tỉnh Quảng Ninh đã và đang tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để nghề thủ công mỹ nghệ than đá ngày càng phát triển nhằm xây dựng thành những dãy phố, những làng nghề chuyên sản xuất kinh doanh mặt hàng này, vừa trở thành những địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn vừa góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống bản sắc văn hoá.
Vũ Tiến