Huawei và cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung!

00:00 12/10/2020

Tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc Huawei vừa “thở phào nhẹ nhõm” khi Bộ Thương mại Mỹ quyết định “ân hạn” 90 ngày để Huawei thực hiện các thương vụ mua sắm cần thiết với các công ty Mỹ nhằm duy trì hoạt động của hàng triệu máy điện thoại di động Huawei, cũng như rất nhiều mạng viễn thông do Huawei thiết lập ở châu Âu và châu Á.

Sau thời gian này, mọi giao dịch của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ với Huawei phải được chính quyền Mỹ phê chuẩn.

Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc, có nguy cơ bị loại khỏi thị trường thế giới khi không còn tiếp cận được các linh kiện, phần mềm và dịch vụ của Mỹ theo quyết định của Washington. Ảnh: NYT.

Hôm Chủ nhật, Công ty Google thuộc tập đoàn Alphabet công bố chấm dứt hỗ trợ Huawei trong việc cập nhật hệ điều hành Android chạy trên các máy điện thoại thông minh Huawei sắp sản xuất, các ứng dụng phổ biến như Bản đồ (maps), thư điện tử Gmail, cửa hàng ứng dụng Google Play Store và trình chiếu video YouTube cũng không được cung cấp cho sản phẩm điện thoại của Huawei nữa.

Quyết định của Google giáng một đòn chí tử vào tham vọng chiếm lĩnh thị trường điện thoại thế giới của Huawei - nhà sản xuất nhiều điện thoại thứ hai, chỉ sau Samsung.

Theo sau Google trong mảng phần mềm, hai tập đoàn sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới là Intel và Qualcomm yêu cầu nhân viên chấm dứt mọi liên hệ với Huawei cho đến khi có lệnh mới. Không có linh kiện phần cứng của Intel và Qualcomm, Huawei không chỉ không thể tiếp tục sản xuất điện thoại mà cả các hệ thống thiết bị viễn thông của họ cũng bị đình trệ. Làn sóng “cấm cửa Huawei” bắt đầu lan rộng khi công ty Infineon của Đức hôm thứ Hai cũng thông báo bắt đầu hạn chế giao dịch với Huawei.

Bị “cấm cửa” cả phần cứng lẫn phần mềm, Huawei đứng trước một tình huống bi đát, có thể bị loại hoàn toàn khỏi thị trường viễn thông thế giới, giống như công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE từng gặp phải hồi năm ngoái.

Chiến tranh thương mại qua thuế nhập khẩu kết hợp với chiến tranh công nghệ qua việc hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao của Mỹ thực sự là một cuộc chiến tranh lạnh mà Mỹ phát động để buộc Trung Quốc phải thay đổi cung cách thương mại, tuân thủ những luật chơi công bằng, có đi có lại thay cho việc lạm dụng lợi thế thị trường khổng lồ để chèn ép, tiến tới tiêu diệt đối thủ mà Trung Quốc thực hiện từ trước đến nay.

Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng một bức tường thành kỹ thuật số ngăn cách thị trường Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, nhưng đáng lưu ý đó là bức tường chỉ mở cửa một chiều. Các tập đoàn công nghệ Mỹ như Facebook, Google - và các dịch vụ của chúng - đều bị cấm hoạt động ở Trung Quốc trong khi các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc được tự do, được khuyến khích và được hỗ trợ để thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.

Trung Quốc một mặt cấm doanh nghiệp công nghệ nước ngoài để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển, mặt khác buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc, phải tuân thủ sự kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc, nếu không thì bị cấm cửa. Do thị trường Trung Quốc quá lớn, khả năng sinh lợi cao, rất nhiều doanh nghiệp công nghệ Mỹ và châu Âu phải chấp nhận luật chơi không công bằng, và dần dần bị các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc lấn lướt.

Nay gió đã bắt đầu đổi chiều, Tổng thống Trump dùng ngay chính sách “cấm cửa một chiều” của Trung Quốc để trả đũa, đòi giao thương phải “có đi có lại”: doanh nghiệp Mỹ phải được tự do làm ăn ở Trung Quốc như các doanh nghiệp Trung Quốc được tự do làm ăn ở Mỹ và các nước khác.

Nếu như Google, Facebook bị cấm ở Trung Quốc thì Huawei, ZTE cũng phải bị cấm ở Mỹ; nếu doanh nghiệp Mỹ bị hạn chế tiếp cận thị trường Trung Quốc thì doanh nghiệp Trung Quốc cũng không được tự do tiếp cận công nghệ cao của Mỹ.

Tình huống thay đổi làm lộ ra chỗ yếu chết người của Trung Quốc: Trung Quốc có thể tạo ra rất nhiều ứng dụng phục vụ những nhu cầu đa dạng của cuộc sống, nhưng lại không có công nghệ nguồn; tất cả mọi ứng dụng của họ đều phải vận hành trên những nền tảng mà người Mỹ sáng tạo ra, dù đó là hệ điều hành Windows cho máy tính, hay iOS và Android cho thiết bị di động.

Không có những nền tảng này thì những Alibaba, Tencent không hoạt động được, điện thoại Huawei, Xiaomi, Oppo... sẽ trở thành những cục chặn giấy vô tri. Ngay trong công nghệ phần cứng, Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm tỉ đô la để xây dựng ngành bán dẫn, mời gọi nhiều kỹ sư và chuyên viên điện tử Hoa kiều từ Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc đến làm việc với chế độ đãi ngộ rất cao, nhưng đến nay sản phẩm chip của Trung Quốc vẫn còn quá thô sơ so với sản phẩm của Intel, Qualcomm, Nvidia, Broadcom và nhiều tập đoàn Mỹ khác.

Có những dự báo cho rằng, cuộc chiến tranh công nghệ với Mỹ sẽ thúc đẩy Trung Quốc đi nhanh hơn trong việc tạo ra những nền tảng công nghệ riêng của mình, giống như vụ Liên xô phóng vệ tinh Sputnik thôi thúc người Mỹ phải lao lên chinh phục không gian hồi thế kỷ trước.

Có thể rồi đây người Trung Quốc sẽ sử dụng những chiếc điện thoại Huawei do họ thiết kế và chế tạo toàn bộ, chạy hệ điều hành HongMeng OS do Huawei phát triển từ năm 2012, nhưng những sản phẩm công nghệ như vậy có chinh phục được một thị trường thế giới đã quen với Android, Google Search, Facebook, YouTube... hay không là một câu hỏi không khó trả lời.

Báo chí Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai 20-5, ông Tập Cận Bình đã đi thăm một số cơ sở khai thác và chế biến đất hiếm - loại nguyên liệu tối cần thiết cho các thiết bị công nghệ cao mà Trung Quốc gần như độc quyền nhờ trữ lượng rất lớn. Đất hiếm và xuất khẩu đất hiếm từng được Bắc Kinh sử dụng làm vũ khí trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản, có khả năng lại được sử dụng để gây khó cho ngành công nghệ Mỹ. Hãy chờ xem!

Huỳnh Hoa