Trong nhiều năm qua, thoát nước luôn là lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác ODA giữa JICA và Việt Nam. Thông qua các dự án viện trợ không hoàn lại và hợp tác kỹ thuật, JICA đã hỗ trợ nhiều chương trình liên quan đến ngành thoát nước.
Mới đây, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng – dự án có công suất lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại – đã chính thức khánh thành. Theo JICA, dự án này không chỉ giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước mà còn giảm thiểu đáng kể tình trạng ngập lụt ở khu vực phía Nam TP.HCM.
TPHCM là địa phương lớn nhất Việt Nam, tình trạng ngập lụt các tuyến đường chính vào mùa mưa và ô nhiễm nước ở các sông, hồ và kênh rạch là vấn đề gây nhức nhối và ngày càng trở nên trầm trọng trước sức ép từ việc gia tăng dân số. Tuy nhiên hạ tầng hệ thống xử lý nước thải hiện vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Vì vậy, cải thiện hạ tầng hệ thống thoát và xử lý nước thải là việc cấp thiết cần được ưu tiên giải quyết.
Ông Sugano Yuichi, đại diện JICA, cho biết: "Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng hơn với TP.HCM để mở rộng mạng lưới thoát nước thải và tăng công suất xử lý nước thải, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện đời sống người dân."
Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 1, bắt đầu từ năm 2001, đã được JICA hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé và hoàn thành vào năm 2009 với công suất 141.000m³/ngày đêm.
Tiếp theo, giai đoạn 2 của dự án mở rộng mạng lưới thu gom và xử lý nước thải tại lưu vực kênh Tàu Hũ, bao phủ diện tích 2.500ha và phục vụ khoảng 1,8 triệu dân. Với tổng mức đầu tư 11.300 tỷ đồng, trong đó vốn ODA từ Nhật Bản chiếm 87%, dự án giai đoạn 2 sẽ nâng công suất xử lý nước thải lên 469.000m³/ngày đêm, tăng gấp ba lần so với giai đoạn 1. Nhiều thiết bị xử lý nước tiên tiến của Nhật Bản, như máy khử nước ly tâm và máy cạo bùn, đã được sử dụng trong dự án này.
Ngoài ra, dự án còn xây dựng mạng lưới thu gom với 51km cống truyền tải, trong đó 26km được thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm của Nhật Bản, cùng với ba trạm bơm thoát nước mưa và nạo vét kênh dài 6,4km.
Trong thời gian tới, JICA mong muốn phối hợp chặt chẽ với thành phố để chuẩn bị và triển khai dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 3.
JICA dự định tiếp tục ưu tiên triển khai các dự án hợp tác tại khu vực Nam Bộ. Tại Bến Tre, JICA đang hợp tác vay vốn để xây dựng các cống ngăn mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp khỏi tác động của xâm nhập mặn.
Đồng thời, JICA cũng đang thực hiện các hợp tác kỹ thuật tại Đại học Cần Thơ, trung tâm phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến khu vực này.
Về vĩ mô, JICA cũng đang hỗ trợ Bộ Xây dựng xây dựng cơ sở pháp lý cho việc quy hoạch và quản lý hiệu quả dịch vụ thoát nước thông qua việc xây dựng luật cấp thoát nước đầu tiên.
JICA tiếp cận một cách tổng hợp để kết hợp không chỉ xử lý nước thải mà còn chống ngập, thích ứng với biến đổi khí hậu và ngăn ngừa xâm nhập mặn theo định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.
Theo ông Norihide Tamoto, Chuyên gia JICA (Cố vấn Chính sách Thoát nước), mặc dù nguồn vốn ODA hiện cung cấp phần lớn kinh phí cho việc cải thiện hệ thống thoát nước ở Việt Nam nhưng các nguồn kinh phí khác vẫn rất cần để đáp ứng nhu cầu rất lớn cho việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước.
Tuy nhiên, hệ thống thoát nước sau khi được đầu tư xây dựng đồng bộ và quản lý vận hành hoạt động thoát nước, Chính phủ cần có các giải pháp hiệu quả trong việc kiểm soát việc xả nước thải chưa qua xử lý, cải thiện sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường nước. Để đạt được mục tiêu này, các chính sách sau đây được coi là cần thiết và nếu PPP lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải được thúc đẩy áp dụng tại Việt Nam trong tương lai: (1) Xây dựng các luật, quy định và hướng dẫn cần thiết; (2) Tổ chức cơ quan chuyên môn cần thiết để theo dõi và giám sát hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân; (3) Thiết lập cơ sở dữ liệu, bao gồm số liệu thống kê quốc gia và quyền truy cập vào các dữ liệu này; (4) Các biện pháp hỗ trợ cần thiết của Chính phủ (đặc biệt là hỗ trợ tài chính) với các tiêu chí cụ thể được đặt ra.
Để thúc đẩy đầu tư và huy động tài chính từ khu vực tư nhân, thì cần phải giảm thiểu rủi ro dự án và đảm bảo tính minh bạch của dự án. Hiện tại, cần phát triển hệ thống thoát nước chủ yếu sử dụng nguồn vốn ODA đồng thời thiết kế hệ thống chính sách để triển khai PPP trong tương lai. Tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ tận dụng hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA sẵn có, cải thiện cơ cấu tổ chức cần thiết và cuối cùng là phát triển chuyên ngành riêng về hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.
Anh Nguyên