Việc phát triển làng nghề truyền thống đóng vai trò là nhân tố quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giúp bảo vệ những nét giá trị văn hoá của địa phương vừa tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, có 02 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản phẩm chế biến; 07 làng nghề truyền thống thuộc nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, thêu ren, đan lát; 02 làng nghề trong nhóm ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Hiện nay các làng nghề, làng nghề truyền thống phát triển dưới 3 hình thức: Hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở (có 5 Hợp tác xã, 2 tổ hợp tác, 01 doanh nghiệp, còn lại là các chủ cơ sở và các hộ gia đình tham gia làm nghề). Tổng số lao động của làng nghề 1.300 người, trong đó lao động thường xuyên là 823 người, thu nhập bình quân của người lao động dao động từ 3 - 5 triệu đồng/lao động/tháng. Có 05 làng nghề có sản phẩm đạt chuẩn OCOP: 03 sản phẩm của làng nghề dệt thổ cẩm, 02 sản phẩm của làng nghề nấu rượu. Có 02 làng nghề có sản phẩm đăng ký thương hiệu: làng nghề nấu rượu Mai Hạ, làng nghề nấu rượu Làng Đình.
Các làng nghề tỉnh Hòa Bình trong thời gian gần đây đã và đang dần khôi phục, phát triển như nghề: nuôi ong, dệt thổ cẩm, nghề mây tre đan, chế tác đá, gỗ lũa, chế biến các món ăn dân tộc, chế biến nông, lâm, thủy sản. Việc khôi phục lại các ngành nghề, làng nghề đi kèm theo là khôi phục, xây dựng và hình thành các tổ hợp tác, các HTX đã giải quyết được nhiều việc làm. Mặt khác việc phát triển làng nghề đã giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo của địa phương. Trong quá trình khôi phục, đầu tư, thúc đẩy phát triển làng nghề theo cơ chế, chính sách của nhà nước, của tỉnh, thời gian qua các làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ, nghề chế biến nông sản, thực phẩm của tỉnh đã từng bước phát triển.
Để đưa hoạt động của các làng nghề theo hướng phát triển bền vững, tỉnh Hòa Bình đã triển khai xây dựng các sản phẩm các làng nghề đạt tiêu chuẩn OCOP. Tiếp tục hỗ trợ phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn hướng đến nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn trong giá trị sản xuất ở khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm ngành nghề, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, gắn việc phát triển làng nghề với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa – sinh thái. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày, khu chế tác, hỗ trợ cải tiến mẫu mã bao bì, tăng cường công tác đào tạo, quảng bá để các sản phẩm làng nghề đứng vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế./
Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình