Qua đó tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi để các tổ chức kinh tế tập thể mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sự phát triển bền vững.
Những cơ chế, chính sách nổi bật đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh là: Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 14/12/2021 về khuyến khích hộ cá thể, doanh nghiệp tham gia hợp tác xã đến năm 2025; Quyết định số 2249/QĐ-UBND ngày 4/10/2021 của UBND tỉnh Hoà Bình về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021- 2030; Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 2/8/2023 phát triển kinh tế tập thể tỉnh Hoà Bình năm 2024. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của tỉnh đã tổ chức thành công 52 hội nghị cấp huyện, cấp xã nhằm cung cấp thông tin, tư vấn, phổ biến quy định của pháp luật về kinh tế tập thể cho 2.100 học viên là các đối tượng cán bộ, đảng viên và người dân; 10 hội nghị tuyên truyền cấp huyện về Luật Hợp tác xã (HTX) 2023 cho 300 đại biểu là cán bộ quản lý, thành viên HTX trong toàn tỉnh; 2 hội nghị đối thoại chính sách về lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò và những đóng góp của kinh tế tập thể, của Liên minh HTX trong phát triển KT-XH.
Với sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế tập thể tại Hòa Bình đã có nhiều bước phát triển và đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng trong tỉnh đã phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ 410 triệu đồng để thành lập 27 HTX, đạt 80% kế hoạch năm 2024. Hỗ trợ 15 HTX củng cố hoạt động theo Luật HTX năm 2023, đạt 100% kế hoạch. Thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể,HTX, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát các HTX có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện, tiêu chí hỗ trợ để thực hiện Hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất đối với các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt danh mục dự án hỗ trợ cho 3 HTX nông nghiệp, dự kiến trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ hỗ trợ từ 8-12 dự án hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư phát triển ngân sách Nhà nước là 20 tỷ đồng.
Các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được đẩy mạnh. Ngoài ra, cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, đăng ký, hướng dẫn các chủ thể tại các địa phương có sản phẩm nông sản để hỗ trợ xây dựng theo tiêu chí và công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2024. Hỗ trợ thực hiện thủ tục cấp mã số vùng trồng, chứng nhận sản phẩm Cấp mã số vùng trồng nội địa cho 4 tổ hợp tác tại các huyện Mai Châu và Kim Bôi và mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và các nước EU cho 05 HTX nông nghiệp và tổ hợp tác tại huyện: Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn và Lương Sơn. Tính đến ngày 30/6/2024, toàn tỉnh có 98 sản phẩm của 81 HTX nông nghiệp được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao; có 27 HTX nông nghiệp, tổ hợp tác được cấp mã số vùng trồng nội địa và xuất khẩu. Cơ quan chức năng tiếp tục triển khai, hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác đăng ký áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO cho các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác. Hiện có 105 HTX nông nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh và 44 HTX được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, Trong năm 2024, tỉnh Hòa Bình có khoảng 25 tổ chức và cá nhân sản xuất nông lâm thủy sản có nhu cầu áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức 163 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 6.500 người dân và 31 lớp đào tạo nghề cho gần 1.000 học viên về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Hướng dẫn xây dựng và nhân rộng 34 mô hình trình diễn về sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tổ chức Khóa đào tạo nâng cao hiểu biết về kiến thức Tài chính - Ngân hàng và thương mại, quảng bá sản phẩm cho 70 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, các HTX trên địa bàn tỉnh.
Các chính sách ưu đãi về tín dụng được triển khai phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của HTX, tổ hợp tác. Trong năm, cơ quan chức năng đã hỗ trợ cho 31 HTX và thành viên vay vốn với tổng số tiền khoảng 16 tỷ đồng, dư nợ cho vay gần 20 tỷ đồng. Hiện có 17 HTX đã trả gốc trên 3,6 tỷ đồng. Các HTX được vay vốn sử dụng đúng mục đích, nâng cao hiệu quả, thực hiện trả lãi vay đúng quy định. Ngoài ra, các HTX đủ điều kiện được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương. Cụ thể, đã có 5 HTX vay vốn với dư nợ trên 2,7 tỷ đồng.
Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ đã từng bước phát huy được hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực, giúp các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi liên kết, đầu tư xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn./
Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình