Trong những năm qua, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo, tập trung các nguồn lực, ưu tiên bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn của cộng đồng cơ quan, doanh nghiệp, người dân cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn, giúp người nghèo cải thiện, ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống vươn lên thoát nghèo, góp phần quan trọng thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Đến nay, nguồn vốn đầu tư cho các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt 5.060 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn huy động, trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã có trên 37.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, với doanh số cho vay trên 1.970 tỷ đồng.
Phong trào “Gửi tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH chung tay vì người nghèo” năm 2024 được phát động nhằm tập trung các nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, trên tinh thần chung sức, đồng lòng của các tổ chức, cá nhân cùng chung tay vì mục tiêu “giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Chương trình phát động đến các đối tượng là: Tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện; cá nhân là công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh, cán bộ công nhân viên thuộc chi nhánh NHCSXH tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng.
Thời gian phát động trong năm 2024. Tháng cao điểm thực hiện là tháng 5, tháng 6 năm 2024. Địa điểm nhận tiền gửi: Trụ sở Chi nhánh NHCSXH tỉnh (Số 445, tổ 6, phường Phương Lâm, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) và trụ sở Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, các Điểm giao dịch xã theo lịch cố định (trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn).
Từ ngày 13/5/2024 đến nay đã có 900 cá nhân là cán bộ, đảng viên, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đăng ký gửi tiền tiết kiệm với số tiền trên 22 tỷ đồng.
Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh: Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là sự nghiệp của toàn dân, mang tính nhân văn sâu sắc và có nhiều cơ chế, chính sách để cải thiện đời sống của người nghèo; trong đó chính sách hỗ trợ vốn tín dụng cho người nghèo luôn được đặc biệt quan tâm, tích cực triển khai. Để tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động tín dụng chính sách, tạo nguồn lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội, tích cực tham gia triển khai thực hiện, quản lý, giám sát, phản biện xã hội, phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với người dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan đến chính sách tín dụng ưu đãi trong giai đoạn tới. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình và kế hoạch công tác của các cấp, các ngành; tích cực vận động, tham gia gửi tiền tại Ngân hàng CSXH.
Ngân hàng CSXH tỉnh tích cực chủ động tham mưu, báo cáo Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương; cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách phục vụ chương trình giảm nghèo của tỉnh. Nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm, tiện ích, hình thức gửi tiền tiết kiệm mang tính linh hoạt, tiện dụng, tương đồng với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn để người dân có sự lựa chọn tốt nhất. Tăng cường phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội thực hiện bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng; nâng cao công tác tập huấn, hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ; nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các Điểm giao dịch tại xã, phường và Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn có cơ hội học tập; hỗ trợ người dân xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, nhà ở, cải thiện chất lượng cuộc sống và nhân rộng nhiều hơn nữa các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi từ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân tham gia gửi tiền vào NHCSXH. Quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cần bao quát toàn diện đến các công việc được ủy thác trong quy trình cho vay; quan tâm đầy đủ đến công tác tập huấn, kiểm tra giám sát hoạt động của hội cấp dưới…
Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình