Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Cao ủy thương mại châu Âu- bà Cecilia Malstrom, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu Nicolas Audier và Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)- ông Vũ Tiến Lộc tại buổi tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm có:Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và đại diện các Bộ, ngành có liên quan, Hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU.
Phát biểu tại tạo đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc ký kết Hiệp định EVFTA, những năm tới, xuất khẩu, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, tăng trưởng thương mại có thể lên tới 20% trong những năm đầu tiên. Đồng thời, sẽ giúp Việt Nam có động lực, cơ sở quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực thi các cam kết hội nhập. Doanh nghiệp và người dân sẽ có thuận lợi trong việc cắt giảm thuế quan nhưng châu Âu là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, thực thi pháp luật về đầu tư. Do đó, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu để tổ chức lại, đảm bảo năng lực cạnh tranh, phát triển phù hợp với thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, người dân Việt Nam với trình độ thấp hơn, doanh nghiệp và nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn nên có nhiều thách thức đặt ra cũng như khó khăn trong việc tận dụng cơ hội. Con số 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam không nắm được thông tin về EVFTA là thực tế bởi thông tin về các hiệp định thương mại tự do thời gian vừa qua chưa có sự lan tỏa kịp thời tới cộng đồng doanh nghiệp... Chính phủ đã giao Bộ Công Thương cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến người dân, đến doanh nghiệp. Tới đây, Bộ Công Thương đã có chương trình phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp, người dân để cung cấp thông tin đến nhân dân kịp thời nhất. Với các doanh nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần tập trung vào vấn đề lớn, chủ động nghiên cứu toàn diện các nội dung của hiệp định, đặc biệt chương trình hành động của Chính phủ. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất… Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU.
Cũng tại tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, sau khi ký EVFTA và IPA, mảng nông nghiệp của 2 bên sẽ nhận được sự bổ sung lẫn nhau, giữa nông nghiệp ôn đới và nông nghiệp nhiệt đới... Đối với nông sản, thuỷ sản như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, ông Lộc cho rằng, việc nông sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế.
“Ở Việt Nam, 65% lao động là nông dân, đang có thu nhập trung bình chưa đầy 1.000 EUR/năm. Hiệp định thương mại EVFTA được ký kết sẽ mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục triệu lao động. Đây sẽ là sự hợp tác có tính nhân văn rất cao. Với châu Âu sẽ có sự lựa chọn phong phú về hàng hoá nông sản với giá cả cạnh tranh. Hiệp định thương mại EVFTA không chỉ có lợi cho hàng chục triệu doanh nghiệp, mà còn có lợi với hàng trăm triệu người dân, với nền kinh tế và thương mại thế giới”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Trong khi đó, bà Cecilia Malmstrom hoan nghênh các hiệp đinh, xem đây là cột mốc giữa hai bên và cả 2 đang đứng trước cơ hội lớn, xoá bỏ mọi dòng thuế lên 99%, 1% còn lại dần gỡ bỏ qua hạn ngạch thuế quan. Theo bà, doanh nghiệp khi tiến vào sẽ gặp khó khăn, doanh nghiệp lớn có thể nhanh thích ứng nhưng với doanh nghiệp nhỏ sẽ là thách thức, tất nhiên nó sẽ đi lại cùng các mục tiêu phát triển bền vững. "Chúng tôi có cam kết về bảo vệ người lao động, quản trị công, chống lại mọi sự huỷ hoại môi trường", bà Cecilia Malmstrom nhấn mạnh.
Nói thêm về IPA, bà cho rằng, đây là hiệp định bảo vệ quyền của doanh nghiệp, cư dân của các nước thành viên. EVFTA và IPA là những hiệp định rất hiện đại, toàn diện, tham vọng, phù hợp thế kỷ 21, mang lại lợi ích cho người dân cả hai phía, Cao ủy thương mại EU cho biết thêm.
Thu Giang - Mai Linh