Giảm gánh nặng thủ tục, chi phí trong phát hành trái phiếu quốc tế

21:11 24/02/2022

Theo ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc bỏ toàn bộ quy định về thủ tục thẩm định, bổ sung trường hợp không cần thực hiện đăng ký thay đổi sẽ giảm số lượng thủ tục hành chính liên quan đến khoản phát hành trái phiếu quốc tế phải thực hiện.

Nâng vị thế trên thị trường tài chính quốc tế

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã phát hành trái phiếu quốc tế như một kênh huy động vốn hiệu quả hơn. Hồi cuối năm 2021, thị trường chứng kiến hàng loạt thương vụ phát hành trái phiếu ra quốc tế. Chẳng hạn, Tập đoàn Vingroup phát hành 500 triệu USD; trái phiếu xanh của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM 200 triệu USD; trái phiếu chuyển đổi của Novaland 300 triệu USD; trái phiếu bền vững của Vinpearl 425 triệu USD; 165 triệu USD trái phiếu tăng vốn chủ sở hữu cấp 2 của HDBank…

Theo đại diện HDBank, việc phát hành trái phiếu quốc tế này là bước đi đầu tiên trong chương trình hợp tác dài hạn của HDBank cùng các định chế tài chính quốc tế, bao gồm xây dựng và triển khai các kế hoạch giúp phát huy tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng và đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế, cộng đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cho biết, mục đích khi thực hiện phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài nhằm nâng cao vị thế và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, đa dạng hóa kênh huy động vốn, đồng thời đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn.

Ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ không phải thẩm định khi phát hành trái phiếu quốc tế
Ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ không phải thẩm định khi phát hành trái phiếu quốc tế.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực hiện thành công các phương án phát hành trái phiếu quốc tế ở thị trường nước ngoài chứng tỏ sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam; từ đó, một mặt thu hút được niềm tin, quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và củng cố uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế, mặt khác hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác chiến lược để thực hiện các chương trình đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất, góp phần tăng cường phát triển kinh tế và gia tăng vị thế của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thông tư 17/2013/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh (Thông tư 17) tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với doanh nghiệp thực hiện vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế. Tuy nhiên, nghị định của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp trước đây đã được thay thế bằng Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 153); do đó, Thông tư 17 cần được thay thế để đảm bảo phù hợp với cơ sở pháp lý ban hành tại Nghị định 153.

Vì thế, tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 17, NHNN sẽ bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục thẩm định khoản phát hành trái phiếu quốc tế của các ngân hàng thương mại Nhà nước. Cơ quan này cho rằng, việc bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục thẩm định khoản phát hành trái phiếu quốc tế của các ngân hàng thương mại Nhà nước nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài theo hướng đồng bộ, tránh việc trùng lặp các quy định đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật khác về vay, trả nợ nước ngoài; cũng như thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Cụ thể, Thông tư 17 hướng dẫn thủ tục thẩm định khoản phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng thương mại Nhà nước căn cứ quy định tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2021 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định 90). Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế đã bỏ các quy định về việc thẩm định khoản phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác, việc thẩm định, phê duyệt, chấp thuận khoản vay nước ngoài, khoản phát hành trái phiếu quốc tế (là một hình thức vay nước ngoài) của doanh nghiệp nhà nước hiện tại được thực hiện theo Luật số 69/2014/QH13 quy định về quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) và các văn bản hướng dẫn.

Đối với các doanh nghiệp mà NHNN là Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn/Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, quy trình xem xét, chấp thuận, phê duyệt khoản vay, trách nhiệm của NHNN đã được quy định tại Quyết định 1500/QĐ-NHNN ngày 20/9/2021 của Thống đốc ban hành quy chế về Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp do NHNN quản lý (Quyết định 1500).

Mặc dù bỏ quy trình thẩm định khoản phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng thương mại nhà nước tại Thông tư này, nhưng NHNN cho biết, các nội dung cần thiết để xem xét phê duyệt việc phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng thương mại nhà nước cũng như các doanh nghiệp khác mà NHNN quản lý sẽ được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định 1500 để đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật 69.

Ngoài quy định trên, dự thảo cũng bỏ một số nội dung không liên quan đến thủ tục hành chính trong việc phát hành trái phiếu quốc tế như: quy định về quyền mua ngoại tệ của Tổ chức phát hành, trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ tài khoản phát hành, quy định về mở tài khoản phát hành; quy định về cơ chế báo cáo. Đồng thời, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, dự thảo Thông tư sẽ bổ sung quy định nêu rõ các trường hợp sẽ không cần thực hiện đăng ký thay đổi khoản phát hành, tương tự như quy định đối với khoản vay nước ngoài bao gồm: thay đổi địa chỉ bên đi vay, tên ngân hàng thương mại; trả nợ lãi, phí... NHNN cho rằng, những quy định này sẽ giúp giảm chi phí cho phía doanh nghiệp cũng như chi phí xử lý từ phía cơ quan nhà nước (giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, giảm chi phí lưu trữ hồ sơ).

Theo TCHQ