Lo ngại thêm căng thẳng thương mại: Giá vàng liên tiếp tăng Giá vàng hôm nay 21/5: Vàng nhẫn giảm mạnh nhất nửa triệu đồng/lượng |
Đồng bạc xanh mất giá, tăng sức hấp dẫn cho vàng
Trái với dự đoán của nhiều người về giá vàng tuần này có thể gặp khó thì liên tiếp 3 ngày đầu tuần giá mặt hàng kim loại quý đều tăng. Và sáng nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn ngày hôm qua 75 USD, vượt mốc 3.300 USD/ounce.
Nguyên nhân cơ bản vẫn là đồng USD suy yếu tiếp tục làm tăng sức hấp dẫn của vàng. Trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,42%, xuống mức 100,01.
![]() |
Giá vàng thế giới hôm nay tăng mạnh, trong nước vượt mốc 120 triệu đồng |
Việc đồng bạc xanh mất giá một phần do những nhận xét thận trọng hơn về nền kinh tế của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bên cạnh đó, nhu cầu trú ẩn vào vàng cũng tăng lên do lo ngại liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ.
Trong một cuộc khảo sát toàn cầu của công ty bảo hiểm tín dụng Allianz Trade công bố ngày 20/5, chính sách thuế quan của Mỹ đang ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến tâm lý của các nhà xuất khẩu. Allianz Trade đã khảo sát 4.500 nhà xuất khẩu tại Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Ba Lan, Vương quốc Anh, Mỹ, Singapore và Trung Quốc về thương mại toàn cầu trong tháng Ba và tháng Tư.
Kết quả cho thấy, trước ngày 2/4 (thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa công bố chính sách thuế), chỉ 5% số lượng công ty dự kiến doanh thu xuất khẩu của họ sẽ giảm. Tuy nhiên, sau ngày 2/4, có 42% số công ty tham gia khảo sát dự kiến doanh thu xuất khẩu của họ sẽ giảm đáng kể. Tổn thất xuất khẩu dự kiến lên tới 305 tỷ USD trong năm 2025.
Tháng 4/2025, ông Donald Trump đã chính thức tái áp dụng hàng loạt chính sách thuế quan mới khi trở lại Nhà Trắng. Dưới thông điệp “bảo vệ việc làm Mỹ”, chính quyền Trump lần hai đã đánh thuế mạnh tay lên hàng hóa từ hàng chục quốc gia, không phân biệt đồng minh hay đối thủ, khiến nền kinh tế của hầu hết các quốc gia chao đảo.
Những tưởng điều này sẽ hạ nhiệt khi vòng đám phán thương mại Mỹ - Trung hay với Anh đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 150 quốc gia khác đang muốn đàm phán với Mỹ. Và trong cuộc phỏng vấn mới đây trên truyền hình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp thuế đối với các đối tác thương mại không đàm phán một cách “thiện chí”.
Không chỉ vậy, EU và Anh cũng đã công bố lệnh trừng phạt mới đối với Nga, càng khiến những căng thẳng địa chính trị và thương mại toàn cầu trở nên trầm trọng hơn. Sự bất ổn đó khiến nhà đầu tư lo ngại, tiếp tục lựa chọn vàng làm nơi trú ẩn.
Trong nước giá vàng vượt mốc 120 triệu đồng/lượng
So với sáng qua, giá vàng trong nước của các thương hiệu đều tăng. Ghi nhận của phóng viên tại thời điểm lúc 10h30’ sáng nay, vàng SJC đã bán ra ở mức 120,5 triệu đồng, tăng hơn 1 triệu so với sáng qua.
Đối với vàng nhẫn, Bảo tín Minh Châu giao dịch quanh mức 114,5 triệu đồng/lượng và bán ra 117,5 triệu đồng/lượng (tăng 700.000 đồng/lượng). Phú Quý, vàng nhẫn mua vào là 112,3 triệu đồng/lượng, bán ra 115,3 triệu đồng/lượng (tăng 800.000 đồng/lượng), vàng nhẫn của PNJ mua vào 112 triệu đồng/lượng, bán ra 115 triệu đồng/lượng (tăng gần 500.000 đồng/lượng)…
Do giá vàng tăng mạnh nên các doanh nghiệp tiếp tục để mức chênh lệch cao tới 3 triệu đồng mỗi lượng. Theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế: Thông thường, chênh 300.000 – 500.000 đồng/lượng. Hiện giờ đa số các đơn vị kinh doanh đẩy chênh lệch lên ngưỡng 2 - 3 triệu đồng. Những nhà kinh doanh vàng nhìn thấy sự biến động giá vàng rất lớn, do đó họ mua vào giá rất rẻ nhưng bán ra với giá cao. Đó là phương án dự phòng tránh trường hợp các nhà kinh doanh vàng không bị ảnh hưởng lớn do biến động về giá.
Cùng với đó thì chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới cũng rất cao. Với giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 3.305,2 USD/ounce như sớm nay nay thì chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng.
Ông Shaokai Fan - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn đã từng chia sẻ, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất có sự chênh lệch về giá vàng. Nguyên nhân chính là các nước đặt ra quy định kiểm soát nhập khẩu (hạn chế nhập khẩu hoặc áp thuế cao, dẫn tới mất cân đối cung - cầu).
Bất chấp giá vàng đạt mức kỷ lục, nhiều dữ liệu cho thấy các quốc gia vẫn tích cực thu mua vàng vào. Tính riêng trong tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã nhập khẩu tới 127,5 tấn vàng, mức cao nhất trong 11 tháng, tăng 73% so với tháng trước đó. |