Giá dầu và khí đốt tăng mạnh, chứng khoán thế giới lao dốc khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang

12:50 22/02/2022

Ngày 22/02/2022, giá dầu hiện tiếp tục đà tăng giá trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập của vùng ly khai Donetsk và Lugansk tại miền đông Ukraine, yêu cầu quân đội Nga điều lực lượng gìn giữ hòa bình đến đây.

Ảnh minh họa
Khả năng xảy ra xung đột ở Ukraine đã gây bất ổn cho thị trường toàn cầu và gây ra những biến động dữ dội về giá năng lượng trong những ngày gần đây/ Nguồn ảnh:Ahn Young-joon / AP

Động thái này làm gia tăng căng thẳng giữa Nga với châu Âu và Mỹ. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết Liên minh châu Âu đã đồng ý áp đặt lệnh cấm vận hạn chế nhằm vào "những người chịu trách nhiệm" trong quá trình Nga công nhận các khu vực ly khai. Ngoại trưởng Anh Liz Truss thông báo chính phủ nước này sẽ sớm công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Những trừng phạt kinh tế trên càng đẩy giá dầu và khí đốt cao hơn khi Nga là nguồn cung chủ yếu. Ghi nhận tại thời điểm viết bài, giá dầu Brent tăng hơn 2.7% so với ngày hôm qua, lên mức 96.82$, cao nhất kể từ tháng 10/2014. Giá khí đốt thế giới cũng ghi nhận mức tăng 3.8% so với giá mở cửa ngày hôm qua. Các cơ sở dự trữ khí đốt ngầm (UGS) ở Châu Âu đã trống 95,3% kể từ ngày 17.2 - Tập đoàn xuất khẩu khí đốt Gazprom, gã khổng lồ năng lượng nhà nước của Nga cho biết hôm 19.2, trích dẫn dữ liệu từ Cơ sở Hạ tầng khí đốt Châu Âu. Khối lượng khí đốt đang hoạt động tại các kho chứa ít hơn 21% (8,3 tỉ mét khối) so với cùng thời điểm năm ngoái. Tổng cộng, 44,8 tỉ mét khối đã được rút khỏi UGS của Châu Âu trong mùa đông này. Tuy nhiên, Liên minh Châu Âu trong tuần qua tuyên bố rằng nguồn cung của họ đã đủ cho vài tuần nữa trong trường hợp Nga ngừng cung cấp đốt cho Châu Âu trong bối cảnh căng thẳng về Ukraine.

Trái ngược với giá dầu và khí đốt, chứng khoán thế giới đã chứng kiến một phiên giảm điểm rất mạnh khi vừa mới hồi phục trong cuối tuần trước khi căng thẳng hạ nhiệt. Chỉ số IMOEX của Nga bốc hơi 356.43 điểm, đóng cửa ở mức giảm 10.5%, mức giảm mạnh nhất lịch sử. Đáng chú ý hơn, chỉ số mở cửa với mức tăng 1,5% và đã có lúc trong phiên giao dịch giảm đến hơn 14%. Khối chứng khoán châu Âu cũng chịu áp lực đà giảm tương tự, điển hình như chỉ số DAX của Đức, mở cửa ở mức tăng 0.95% và đóng cửa ở mức giảm 2.07%. Chỉ số chứng khoán chung châu Âu EURO STOXX 50 cũng quay đầu và đóng cửa giảm -2.17%. Thị trường châu Á cũng không khả quan hơn, khi mở cửa trong sắc đỏ do lo ngại về hiệu ứng dây chuyền. Thị trường Trung Quốc, chỉ số HSI Hangseng Index hiện dẫn đầu đà giảm 3%. Thị trường Nhật Bản Ni225 cũng giảm hơn 2% và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. Đài Loan, một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất giai đoạn 2020-2021, chỉ số TAIEX cũng giảm hơn 2%. Hàn Quốc KOSPI giảm 1.71%. Thị trường Việt Nam hiện tại VNINDEX đang có mức giảm khá khiêm tốn ở mức 0.5%.

Đáng chú ý là thị trường lớn nhất thế giới -Mỹ đã đóng cửa vào hôm qua để kỷ niệm ngày Tổng thống, một ngày lễ liên bang để vinh danh tất cả Tổng thống Hoa Kỳ nên các ảnh hưởng vẫn chưa được đánh giá toàn diện. Dù vậy, theo dõi qua hợp đồng tương lai US500, chỉ số này cũng quay đầu từ mức tăng hơn 0.5% xuống mức giảm hơn 0.6%. Chỉ số S&P500 trong cuối tuần vừa rồi đóng cửa giảm 3% kể từ mức cao nhất vào thứ Tư 17/02, và dự đoán sẽ tiếp tục đà giảm khi thị trường mở cửa vào hôm nay.

Anh Dũng