Gạo ST25 bị 4 doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ thương hiệu ở Mỹ

08:10 20/04/2021

Cho đến nay, việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài vẫn là chủ đề khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có ngành gạo, “đau đầu”.

Ngày 20/4, trao đổi với báo chí, ông Hồ Quang Cua, đại diện nhóm tác giả giống lúa ST25 nổi tiếng xác nhận đã biết được thông tin gạo ST25 bị doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ ở Mỹ nhưng không thể làm được gì vì không rành các quy định về sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.

"Tôi chỉ tập trung chuyên môn về chọn tạo giống. Những vấn đề liên quan đến bảo hộ bản quyền, chống hàng giả rất phức tạp. Ngay tại Việt Nam việc chống gạo ST25 giả cũng hết sức mệt mỏi. Còn ở thị trường Mỹ, ngay cuối năm 2019, khi gạo ST25 giành giải nhất cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019" đã có đơn vị rao bán gạo ST25 rồi", ông Hồ Quang Cua thông tin. 

Ông Hồ Quang Cua (bìa trái) nhận giải nhất gạo ngon Việt Nam năm 2020 cho giống gạo ST25.

Ông Hồ Quang Cua (bên trái) nhận giải nhất gạo ngon Việt Nam năm 2020 cho giống gạo ST25. 

Trên báo Tuổi trẻ năm 2019 đã từng bình luận câu chuyện "Không khéo ông Cua mất của" ngay tại thị trường trong nước. Sở hữu giống lúa làm ra gạo ngon, ông Cua và cộng sự có quyền được hưởng thành quả của mình, từ đó làm giàu. Người tiêu dùng biết đến tên ST25. Nhưng tên ST25 của kỹ sư Cua lại bị "cầm nhầm", trở thành "tài sản chung" của người buôn gạo. Họ cứ gắn tên ST25 vào một loại gạo nào đó để bán giá cao nhằm thu lợi. Nói không khéo ông Cua mất của là thế. Tạo ra được dòng lúa thơm, kỹ sư Cua và cộng sự phải làm các thủ tục đăng ký sở hữu để được pháp luật bảo hộ. Nhưng điều đó không ngăn được tình trạng "gọi nhầm" như với ST25 của nhiều người kinh doanh gạo.

Tại thị trường nước ngoài, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thông tin gạo ST của Việt Nam đã bị 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền ở Mỹ. Từ đó đặt ra vấn đề các doanh nghiệp phải bảo vệ thương hiệu không chỉ trong nước mà ở thị trường xuất khẩu.

"Trường hợp thương hiệu gạo ST24, ST25 bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền trước thì khi Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST24, ST24 ở Mỹ, nếu không sẽ vi phạm về sở hữu trí tuệ. Nếu họ đã đăng ký thành công thì doanh nghiệp Việt Nam phải thuê luật sư để đòi lại. Cơ quan nhà nước chỉ có thể cung cấp thông tin, hướng dẫn chứ không can thiệp được", ông Phú nói thêm. 

Giám đốc một doanh nghiệp am hiểu thị trường Mỹ cho rằng, tại thị trường này, hễ mặt hàng nào nổi lên, được người tiêu dùng chú ý lập tức sẽ có người đăng ký thương hiệu đón đầu. "Chi phí đăng ký thương hiệu không nhiều, nếu mặt hàng bán chạy thì người đăng ký thương hiệu trước có thể bán lại cho chủ sở hữu thực sự hoặc nhận tiền bản quyền khi có hàng hóa xuất khẩu sang. Trường hợp chủ sở hữu muốn đòi lại thương hiệu phải trải qua cuộc chiến pháp lý khá phức tạp", vị Giám đốc này phân tích.

Có thể kể đến vấn đề tương tự đã từng xảy ra với những thương hiệu nông sản nổi tiếng của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột...

Ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), từng chia sẻ câu chuyện bảo hộ nhãn hiệu của mình khi khảo sát để xuất khẩu gạo của công ty vào thị trường Mỹ.

Theo đó, ông Thiện bắt gặp nhiều sản phẩm gạo “Made in Thailand” nhưng lại ghi tên “rất Việt Nam” như gạo thơm Ba con nai, gạo Ba miền... lại còn in cả hình bản đồ Việt Nam lên bao bì. Người Thái cũng rất khéo léo khi giải thích rằng họ phải dán nhãn sản phẩm bằng tiếng Việt để có thể bán cho người Việt. Cho đến nay, việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài vẫn là chủ đề khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có ngành gạo, “đau đầu”.

Từ câu chuyện giống gạo ST25, có thể thấy việc gây dựng, bảo vệ thương hiệu là cả quá trình lâu dài và nhiều thử thách cam go. Tuy nhiên, đó là việc phải làm, không chỉ với hạt gạo mà còn nhiều sản phẩm khác nữa. Những nỗ lực như vậy nằm trong tổng thể hoạt động nhằm nâng cao nhận thức các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; tôn vinh thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh, phát triển thương hiệu.

Lâm Nghi