Ford đầu tư sản xuất lớn nhất từ trước đến nay để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện

10:57 28/09/2021

Ford Motor Co. và công ty năng lượng SK Innovations có trụ sở tại Hàn Quốc đang đầu tư 11,4 tỷ đô la Mỹ nhằm xây dựng hai cơ sở sản xuất xe điện khổng lồ, tạo ra hơn 10.000 việc làm mới, đại diện cho khoản đầu tư sản xuất lớn nhất từ trước đến nay của hãng trong lịch sử 118 năm.

Ford chia sẻ hình ảnh cơ sở sản xuất Tennessee được gọi là Blue Oval City
Ford chia sẻ hình ảnh cơ sở sản xuất Tennessee được gọi là Blue Oval City. (Ảnh: Ford)

Giám đốc điều hành Ford cho biết, phần đầu tư của Ford rơi vào 7 tỷ đô la. Hãng xe trước đó đã tuyên bố sẽ chi 30 tỷ đô vào năm 2025 để chuyển sang sản xuất nhiều xe điện hơn và dự kiến ​​40% doanh số bán hàng trên toàn thế giới sẽ là xe chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2030. Hai địa điểm được chọn lựa nằm ở Kentucky và Tennessee, sử dụng tổng cộng khoảng 11 nghìn nhân lực, bao gồm ba nhà máy sản xuất pin xe điện và một nhà máy sản xuất xe bán tải chạy điện.

Tại Tennessee được mệnh danh “Blue Oval City”, một tham chiếu biểu tượng của Ford được xây dựng trên quy mô diện tích 3.600 mẫu Anh, gấp ba lần diện tích của khu phức hợp River Rouge nổi tiếng của Ford ở Dearborn, Michigan. Khu sản xuất mới cần 5.800 nhân công cùng một nhà máy sản xuất pin, các cơ sở tái chế vật liệu pin, các khu vực dành cho các nhà cung cấp phụ tùng khác nhau và một nhà máy lắp ráp để chế tạo xe tải F-series chạy điện.

Chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của Ford, Mustang Mach-E, đã được bán ra vào năm ngoái và chiếc xe tải thương mại chạy điện Ford E-Transit sẽ được chào bán vào cuối năm nay. Ford F-150 Lightning, chiếc xe tải cỡ lớn chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của hãng, dự kiến ​​tung ra thị trường vào năm sau. Giám đốc điều hành Lisa Drake của Ford giải thích, những chiếc xe tải sẽ được chế tạo tại địa điểm mới không phải là dòng F-150 Lightnings mà là những mẫu xe F-series chạy điện trong tương lai. Vị giám đốc cho biết: “Tương lai xe điện sẽ thay đổi trong vài thập kỷ tới và chúng tôi mong muốn và có khả năng phát triển năng lực khi thị trường xe điện mở rộng”. Theo Drake, không gian cho các nhà cung cấp bên trong cơ sở là rất quan trọng, vì Ford đang cố gắng kiểm soát nhiều hơn chuỗi cung ứng phụ tùng. Ford và các nhà sản xuất ô tô khác đã phải tạm dừng hoặc gảim tốc độ sản xuất một số mẫu xe trong những tháng gần đây vì hạn chế nguồn cung chip và các bộ phận khác.

Cơ sở nhỏ hơn sẽ được xây dựng ở Kentucky, được gọi là “BlueOvalSK Battery Park” bởi SK Innovations đang làm việc với Ford về sản xuất pin. Thiết kế cho thấy hai nhà máy sản xuất pin lithium-ion sẽ được đặt cạnh nhau, có quy mô và cách bố trí giống hệt với nhà máy sản xuất pin thứ ba ở Tennessee. Các nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất pin và xe tải vào năm 2025.

Cụ thể, các cơ sở sản xuất tại Blue Oval City được thiết kế để trung tính với carbon. Nói cách khác, chúng sẽ không thêm lượng carbon dioxide trong khí quyển. Địa điểm rộng lớn của Tennessee sẽ bao gồm một cơ sở tái chế vật liệu pin, nơi tái chế vật liệu phế thải từ quá trình sản xuất pin sau đó cung cấp trở lại cho các nhà máy pin. Cơ sở tái chế sẽ được điều hành bởi Redwood Materials, một công ty được thành lập bởi cựu giám đốc điều hành cấp cao của Tesla, JB Straubel. Ford mới đây đã công bố khoản đầu tư 50 triệu đô vào Redwood để giúp startup tái chế pin mở rộng hoạt động. Redwood cho biết họ có thể thu hồi hơn 95% các nguyên tố như coban, lithium, đồng và niken từ pin. Đồng thời, Ford cũng thông báo họ đang đầu tư tổng cộng 525 triệu đô la trên toàn nước Mỹ trong vòng 5 năm tới để đào tạo các kỹ thuật viên sửa chữa xe điện.

TL