Facebook, Google, Microsoft đã nộp thuế hơn 5.100 tỷ đồng tại Việt Nam

17:03 06/06/2022

Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2018 đến hết tháng 4/2022, số thuế thu đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới là hơn 5.111 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.965 tỷ đồng; Google là 1.902 tỷ đồng; Microsoft là 651 tỷ đồng.

Cụ thể, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc là một trong 4 trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội, dự kiến vào sáng 8/6. Trong báo cáo phục vụ chất vấn vừa gửi Quốc hội, ông cho biết, số thu thuế của các nền tảng xuyên biên giới bình quân trên 1.100 tỷ đồng một năm.

Từ năm 2018 đến hết tháng 4 năm nay, thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài), các nền tảng này đã khai, nộp 5.111 tỷ đồng. Trong đó, số thuế Facebook đã nộp là 1.965 tỷ đồng, Google cũng nộp 1.902 tỷ và Microsoft là 651 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2018 đến hết tháng 4/2022, số thuế thu đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới là hơn 5.111 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.965 tỷ đồng; Google là 1.902 tỷ đồng; Microsoft là 651 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2018 đến hết tháng 4/2022, số thuế thu đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới là hơn 5.111 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.965 tỷ đồng; Google là 1.902 tỷ đồng; Microsoft là 651 tỷ đồng.

Như vậy, so với số liệu Bộ trưởng Phớc báo cáo hồi tháng 3, số thuế thu được từ các nền tảng số đến nay tăng thêm 1.100 tỷ đồng.

Liên quan đến nội dung quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, theo Bộ trưởng, hiện nay tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ) và 3 Công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Từ thực tế đã nêu, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh các giải pháp như: hoàn thiện cơ sở pháp lý; tăng chia sẻ, kết nối thông tin với các cơ quan liên quan; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung vào các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử.

PV