Đức công bố áp thuế khí đốt đối với người tiêu dùng

18:14 16/08/2022

Chính phủ Đức ngày 15/8 cho biết, các hộ gia đình ở nước này sẽ phải trả thêm tới 290 Euro, tương đương 296 USD, trong hoá đơn khí đốt hàng năm, khi gánh nặng của cuộc khủng hoảng năng lượng được san bớt từ doanh nghiệp và nhà nước sang người tiêu dùng.

Như vậy, với một gia đình trung bình 4 thành viên, mức thuế này sẽ khiến chi phí hằng năm tăng thêm khoảng 480 Euro. Lạm phát tại Đức đang ở mức 8,5% và sự gia tăng trong hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình như vậy sẽ đẩy chi phí sinh hoạt lên cao hơn nữa. 

Ảnh minh họa
Đức công bố áp thuế khí đốt đối với người tiêu dùng. Ảnh minh họa. 

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Commerzbank, ông Joerg Kraemer, mức thuế khí đốt nói trên được dự đoán sẽ làm tăng lạm phát, trong đó có thuế giá trị gia tăng, thêm gần 1 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, lạm phát tại Đức có thể lên mức hai con số vào mùa Thu 2022, theo giáo sư kinh tế học Jens Suedekum của Đại học Duesseldorf's Heinrich Heine University.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã trấn an người dân rằng, chính phủ đang xây dựng các biện pháp hỗ trợ, sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết sẽ ban hành một gói hỗ trợ bổ sung.

Từ tháng 10 trở đi, giá khí đốt tự nhiên cung cấp đến các hộ gia đình ở Đức sẽ có giá tăng thêm 2,419 Euro cent/ kWh. Để tiết kiệm năng lượng cho mùa Đông tới, 1/3 doanh nghiệp nước này đã phải giảm công suất hoạt động theo chính sách tiết kiệm năng lượng của chính phủ.

Với mức thuế khí đốt nói trên, được Chính phủ Đức lên kế hoạch nhằm giúp Công ty năng lượng Uniper và các công ty nhập khẩu khác ứng phó với giá khí đốt tăng mạnh do nguồn cung từ Nga sụt giảm.

Mức sụt giảm này phần lớn đến từ một số doanh nghiệp Đức phải giảm công suất hoạt động để thực thi chính sách tiết kiệm năng lượng của chính phủ. Một số tập đoàn công nghiệp lớn như Mercedes thậm chí phải giảm một nửa nhu cầu năng lượng từ nay cho đến cuối năm 2022 hay Siemens tuyên bố sẽ dừng sử dụng khí đốt từ ngày 11/8.

Chính phủ Đức đã áp đặt các quy định hạn chế trong việc sử dụng năng lượng như phần lớn các tòa nhà công cộng không được phép đặt hệ thống sưởi trên 19 độ C vào mùa Thu và mùa Đông, các tòa nhà và tượng đài tại Đức không còn được thắp sáng vào ban đêm và hạn chế đối với quảng cáo chiếu sáng lớn.

Tuy nhiên, Đức có nguy cơ lớn rơi vào tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông tới khi tỷ lệ lấp đầy các kho năng lượng dự trữ chiến lược hiện mới chỉ ở mức gần 75%. Lo ngại này trở nên lớn hơn sau khi Bộ trưởng Kinh tế Đức tuyên bố hợp đồng mua khí tự nhiên hóa lỏng với Qatar hồi tháng 3/2022 đã bị hủy bỏ. Tiếp đến là việc Nga đang giảm dần nguồn cung năng lượng kể từ giữa tháng 7 và hiện chỉ duy trì 20% công suất so với mức thông thường của đường ống dẫn khí Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) cho dù đã hoàn tất việc bảo trì thường niên.

Cơ quan Năng lượng liên bang Đức đã đưa ra kịch bản cực đoan nhưng được coi là cách duy nhất để giúp tránh nguy cơ khủng hoảng năng lượng là duy trì chính sách giảm 20% mức năng lượng tiêu thụ hiện nay, giảm 20% lượng khí đốt mà Đức đang trung chuyển sang các thành viên Liên minh châu Âu khác và cuối cùng là hoàn thành nhà máy chuyển đổi khí tự nhiên hóa lỏng vào tháng 1/2023.

P.V