Đâu là dấu hiệu tín dụng ‘khởi sắc’ trở lại?

11:23 15/09/2023

Dự nợ tín dụng tăng đồng nghĩa với việc tín dụng ngành ngân hàng tăng trưởng tích cực hơn. Đây là tín hiệu khởi sắc trở lại trong hoạt động cho vay của các ngân hàng.

Tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng trưởng tích cực hơn

Theo đó, hơn 120,000 tỷ đồng là mức dư nợ tăng thêm trong tháng 8 vừa qua, tương đương với tốc độ tăng trưởng hơn 1%, chiếm gần 1/5 tổng mức tăng 5.33% của lũy kế 8 tháng đầu năm nay. Như vậy, sau khi bất ngờ sụt giảm trong tháng 7, tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng trưởng tích cực hơn trong tháng 8, phát tín hiệu khởi sắc hơn trong hoạt động phát triển cho vay của các ngân hàng trong thời gian còn lại của năm nay.

Với diễn biến lãi suất và xu hướng nợ xấu tăng nhanh, tăng trưởng tín dụng là một trong những chỉ số thu hút sự quan tâm lớn nhất kể từ đầu năm đến nay. Ngoại trừ năm 2020 khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn đầu dịch COVID 19 mới xuất hiện, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm nay là thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, phản ánh những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải trải qua và sự suy yếu tăng trưởng.

Đơn cử như dù tín dụng đã tăng tốt hơn trong tháng 8 vừa qua, nhưng với mức tăng lũy kế 8 tháng 5.33% nói trên, con số này chỉ xấp xỉ ½ mức tăng gần 10% của 8 tháng năm 2022, thấp hơn mức gần 7.5% của cùng kỳ năm 2021 và chỉ cao hơn mức tăng 4.8% của cùng kỳ năm 2020. Mức tăng này cũng thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ 8 tháng của giai đoạn từ năm 2013-2019.

Nếu so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng tòan nền kinh tế đặt ra ở 14% trong năm nay, rõ ràng dư địa tăng trưởng của hệ thống còn lại là rất lớn, lên đến gần 9%, tức mỗi tháng có thể tăng thêm hơn 2.2% trong 4 tháng còn lại của năm nay. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã sớm phân bổ hạn mức chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng từ rất sớm ngay cuối quý 2 năm nay, không đợi đến quý 4 như mọi năm, nhưng tín dụng vẫn tiếp tục trì trệ. Tuy nhiên, với tín hiệu khởi sắc của tháng 8 như đã nói cùng những cải thiện của nền kinh tế gần đây, dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng có thể sẽ tăng tốc tốt hơn trong thời gian tới.

Thực tế, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh mới đây cũng dự báo hoạt động tín dụng những tháng còn lại của năm 2023 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, với sự xuất hiện của những điểm sáng về xuất khẩu; sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ và các thị trường. Đặc biệt là “điểm rơi” chính sách xuất hiện và phát huy tác dụng, đã và đang phản ánh trên thực tế bằng chỉ số tăng trưởng tín dụng tháng 8/2023 trên địa bàn TPHCM, với mức tăng trưởng đạt gần 1% so với tháng 7/2023.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Lãi suất tiếp tục giảm sẽ là yếu tố đầu tiên và quan trọng để thúc đẩy hoạt động tín dụng sẽ sôi nổi hơn trong thời gian tới. Dù kể từ đầu quý 2 đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã có những bước đi xuống sau khi các ngân hàng thương mại liên tục điều chỉnh lãi suất tiền gửi theo sau động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, nhưng dường như mức giảm lãi suất cho vay còn khá dè dặt khi chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng cũng chỉ giảm ở mức tương đối, do vẫn còn một lượng vốn lớn huy động ở giai đoạn lãi suất cao vào cuối năm 2022 đầu năm 2023.

Tuy nhiên, các khoản tiền gửi nói trên cũng đang bắt đầu đáo hạn dần với số lượng lớn, do đó, nếu được tiếp tục gửi lại ở mặt bằng lãi suất huy động thấp hiện nay, chi phí vốn của các nhà băng sẽ giảm mạnh hơn nhiều so với những tháng qua, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay mạnh mẽ hơn. Mới đây nhất, nhóm ngân hàng gốc Nhà nước là Vietcombank và Agribank đã tiếp tục có động thái giảm lãi suất tiết kiệm về mức cao nhất chỉ còn 5.5% một năm - ngang giai đoạn thấp kỷ lục vì COVID 19.

Những yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất

Lãi suất tiếp tục giảm sẽ là yếu tố đầu tiên và quan trọng để thúc đẩy hoạt động tín dụng sẽ sôi nổi hơn trong thời gian tới. Dù kể từ đầu quý 2 đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã có những bước đi xuống sau khi các ngân hàng thương mại liên tục điều chỉnh lãi suất tiền gửi theo sau động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, nhưng dường như mức giảm lãi suất cho vay còn khá dè dặt khi chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng cũng chỉ giảm ở mức tương đối, do vẫn còn một lượng vốn lớn huy động ở giai đoạn lãi suất cao vào cuối năm 2022 đầu năm 2023.

Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giữ nguyên ở mức 3%; kỳ hạn 3 tháng giảm 0.3 điểm phần trăm về 3.5%; kỳ hạn 6-9 tháng giảm 0.2 điểm phần trăm về 4.5%. Khoản tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm từ 5.8% xuống còn 5,5% một năm. So với đầu năm, lãi suất huy động tại hai nhà băng quốc doanh này đã giảm 1.5-2%. Là nhóm NHTM lớn có tính định hướng cho thị trường, động thái giảm lãi suất lần thứ 2 liên tiếp chỉ trong vòng 1 tháng qua có thể châm ngòi thêm một đợt giảm lãi suất huy động nữa.

Yếu tố thứ hai, với tình trạng thừa tiền lớn như hiện nay, các ngân hàng buộc phải tìm cách đẩy vốn ra để tránh làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Trong khi các kênh đầu tư khác hiện nay đều có tỷ lệ sinh lời quá thấp, như trái phiếu Chính phủ đang có lãi suất phát hành thấp kỷ lục (kỳ hạn 10 năm chỉ còn quanh 1%/ năm), lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng rớt về mức thấp nhất trong nhiều năm qua với kỳ hạn qua đêm dưới 0.2%/ năm, rõ ràng chỉ còn kênh tín dụng là đảm bảo được biên độ lãi suất hấp dẫn.

Yếu tố thứ ba, với các điều kiện kinh doanh trong nền kinh tế đang trong xu hướng cải thiện tốt hơn, cũng tạo động lực cho các ngân hàng mạnh dạn giải ngân cho vay ra hơn. Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) trong khu vực sản xuất sau khi có 8/9 tháng gần đây nằm dưới mốc 50 điểm (ngoại trừ tháng 2 đầu năm nay leo lên mức 51.2 điểm), tháng 8 vừa qua chỉ số này cũng đã tăng trở lại lên ngưỡng 50 điểm khi đạt 50.5 điểm.

Trong khi đó, các hoạt động thương mại cũng đang có sự hồi phục trở lại, cụ thể kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 của Việt Nam ước đạt 32.37 tỷ USD, cao nhất trong vòng 1 năm qua và cũng đánh dấu tháng thứ 4 đi lên liên tiếp. Cụ thể, tháng 5 tăng 0.4% so với tháng trước đó, tháng 6 tăng 5%, tháng 7 tăng 2.1% và tháng 8 tăng 7.6%. Điều này đưa đến kỳ vọng sức mua của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang tăng trở lại, do đó, cũng có thể kích thích nhóm khách hàng xuất nhập khẩu mạnh dạn vay vốn để tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh .

Ngoài ra, cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng trưởng khả quan, dòng vốn đầu tư của khu vực công cũng đang được đốc thúc giải ngân mạnh hơn từ phía Chính phủ, giúp lan tỏa sang động lực đầu tư của khu vực tư nhân, do đó, cũng có thể kích thích nhu cầu vay vốn của nhóm doanh nghiệp tư nhân.

PV (t/h)