Dự báo kinh tế Việt Nam và ĐBSCL: Quý IV "khởi sắc" và triển vọng năm 2022

16:58 02/10/2021

Theo các chuyên gia, nếu mở cửa và thích ứng an toàn với dịch Covid-19 từ đầu tháng 10 thì tăng trưởng quý IV sẽ ước đạt 3,5% và tăng trưởng cả năm 2021 là 2,1%.

Ngày 01/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI) phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam và Trung Tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022”.

Hội thảo nhằm giúp các địa phương nắm bắt được tình hình kinh tế chung của Việt Nam, những định hướng, chủ trương chính sách hỗ trợ có liên quan về nông nghiệp để bước vào giai đoạn tái sản xuất phục hồi sau dịch ...

Hội thảo trực tuyến Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022. Ảnh: VOV
Hội thảo trực tuyến "Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022". Ảnh: VOV.

Thông tin về bức tranh kinh tế Việt Nam dưới tác động của Covid-19, ông Nguyễn Xuân Thành – Chuyên gia Kinh tế, trường Đại học Fullbright cho biết, 9 tháng đầu năm tăng trưởng GDP cả nước đạt 1,42%, riêng quý III tăng trưởng âm 6,17%.

Cả nước có 69% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19, 16% doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh và 15% doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động chờ giải thể.

Tính riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tăng trưởng xuất khẩu 8 tháng năm 2021 của Đồng Tháp đạt 24,3%, đứng đầu khu vực.

Hiện các tỉnh, thành phía Nam đang từng bước khống chế được dịch bệnh Covid-19 và đang tiến tới mở cửa lại kinh tế, các doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại, đây là giai đoạn rất quan trọng để phục hồi kinh tế.

Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có sự tham dự của Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn và lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh. Ảnh: Nguyệt Ánh/ Cổng TTĐT Đồng Tháp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn và lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh tham dự hội thảo tại điểm cầu Đồng Tháp. Ảnh: Nguyệt Ánh/ Cổng TTĐT Đồng Tháp.

Theo các chuyên gia, nếu mở cửa và thích ứng an toàn với dịch Covid-19 từ đầu tháng 10 thì tăng trưởng quý IV sẽ ước đạt 3,5% và tăng trưởng cả năm 2021 là 2,1%.

Để phục hồi kinh tế trong năm 2022, các chuyên gia đề xuất mở cửa theo thích ứng an toàn và bình thường mới, trong đó tiêm đủ vắc xin ngừa Covid-19 và mở cửa bình thường mới sau Tết nguyên đán. Với tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng thấp và hệ thống y tế không quá tải sau khi tiêm đủ vắc xin thì có thể mở cửa bền vững Chính sách kinh tế. Chính sách tiền tệ cần đảm bảo đủ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng; không tăng lãi suất trong điều kiện lạm phát được kiểm soát v.v..

Tại hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (nguyên Chủ tịch VCCI) dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, 94% doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn về dịch bệnh. Tại 19 tỉnh thành phố phía Nam, 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL... 

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát bước đầu tại các địa phương. Cơ hội ngàn vàng để có thể nới lỏng giãn cách, mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế đã đến. Mở cửa là con đường không thể nào khác được.

"Chúng ta chờ đợi cẩm nang hướng dẫn “sống chung” cũng như chờ đợi bản kế hoạch của Trung ương về tái khởi động, phục hồi nền kinh tế. Nhưng chúng ta không thể ngồi yên, mỗi địa phương và doanh nghiệp hãy chuẩn bị cho mình kịch bản về kế hoạch sống chung và phục hồi nền kinh tế của riêng mình, gắn với đặc điểm, điều kiện của mỗi địa phương, doanh nghiệp", ông Lộc chia sẻ.

Biểu đồ tăng trưởng GDP Quý 3/2021
Biểu đồ tăng trưởng GDP Quý 3/2021. Ảnh: Nguyệt Ánh/ Cổng TTĐT Đồng Tháp.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: Cần phải mở cửa ngay từ bây giờ và phải mở cửa bền vững. Nếu mở rồi lại đóng thì không những không phục hồi mà còn dẫn đến thiệt hại nặng nề hơn.

Ông Thành cho biết: Dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics phát triển chính là yếu tố then chốt  thúc đẩy cho “dòng chảy” hàng hóa xuất khẩu được thông suốt. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội, các tỉnh thành có quy định hàng hóa lưu thông vào địa phương khác nhau, khiến đây vẫn đang là “điểm yếu” để khôi phục lại sau dịch tại ĐBSCL, muốn khôi phục thì logistics phải được thông suốt, liên vùng.

"Cứ mỗi lần thay đổi địa điểm, lộ trình lại phải đi xin phép thì không thể nào có được lộ trình vận tải logistics xuyên suốt để “bình thường mới” được. Cần thay đổi quan điểm nếu như người điều khiển phương tiện vận tải và lao động logistics đã tiêm đủ vaccine thì chỉ cần chứng nhận đó thôi, không cần xin phép gì nữa. Nếu không có nữa thì chỉ cần đưa ra giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, đó chính là các tiêu chí an toàn mà thống nhất được tất cả địa phương trong vùng, để có thể lưu thông, hoạt động vận tải logistics liên tỉnh, liên vùng", ông Thành nêu quan điểm.   

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp (tại Hội thảo trực tuyến) về không gian phát triển vùng và từ thực tế đứt gãy các chuỗi cung ứng thời gian qua, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: "Các cơ quan chính quyền chỉ đóng vai trò mở đường bằng chính sách, bằng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Còn việc thực hiện liên kết vùng chính là các doanh nghiệp, chính là các chuỗi cung ứng được thiết lập, sẽ là dòng chảy để liên kết vùng. Nền kinh tế của chúng ta trong thị trường không thể là phép cộng của nền kinh tế địa phương. Các địa phương không có nền kinh tế riêng theo kiểu đóng kín cộng vào thì thành nền kinh tế cả nước. Mà các nền kinh tế trong nền kinh tế của chúng ta chính là các chuỗi cung ứng". 

Chia sẻ về cơ hội và thách thức trong bối cảnh bình thường mới, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị, bên cạnh phát huy liên kết vùng, các địa phương cần tính đến không gian phát triển kinh tế cho Đồng bằng sông Cửu Long; chuyển đổi phát triển theo từng địa giới hành chính sang phát triển dựa trên không gian liên địa phương, liên vùng có cùng ngành hàng. Những địa phương có các điều kiện, đặc điểm tương đồng cần hướng đến liên kết liên vùng, liên khu vực trong không gian mở như một thực thể kinh tế hoàn chỉnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Nông nghiệp và công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phải được gắn kết chặt chẽ bằng các mô hình “Cụm liên kết ngành trong nông nghiệp”, du lịch nông nghiệp nông thôn. Trong thời gian tới cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nông dân, nâng cao dân trí nông dân, hướng đến thái độ sống tích cực, khuyến khích tinh thần tự lực, tự chủ, liên kết, hợp tác ...

Với những khó khăn còn đang ở phía trước đối với các doanh nghiệp khi bước vào hoạt động sản xuất trong giai đoạn sắp tới, các diễn giả, chuyên gia kinh tế đã phân tích, làm rõ những vấn đề đặt ra để khôi phục kinh tế, về thị trường trong nước và thế giới, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp; đồng thời, đề ra những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tái khởi động và phục hồi như mở cửa thị trường, đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, nghiên cứu thành lập Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu tại ĐBSCL ...

Trong Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra, Đồng bằng sông Cửu Long - Trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước, đã chịu tác động nặng nề. Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa và ngừng hoạt động bởi dịch bệnh. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng tháng 8/2021 chỉ đạt 1,97 tỷ USD, giảm 49,7% so với tháng 7/2021. Trong đó: xuất khẩu đạt 1,04 tỷ USD (giảm 40,61%), nhập khẩu đạt 930 triệu USD (giảm 22%) so với tháng 7/2021 . ĐBSCL có 2.109 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 23,70%), 4.557 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 58,12%). Điều này cho thấy, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường của cả nước cũng như ở khu vực ĐBSCL đang ngày một gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các địa phương./.

Lập Nguyễn (TH)