Doanh nhân Lê Chí Hiếu: "Nếu chỉ vì một vài khó khăn mà đã vội lùi bước thì thật là một cuộc sống quá vô vị"

09:06 19/03/2021

Ông Lê Chí Hiếu là một doanh nhân kiêm nhạc sĩ sinh ngày 01/11/1957 tại Mỹ Tho – Tiền Giang, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House)...

(Ảnh: Internet)

Tuổi thơ cơ cực

Ông Lê Chí Hiếu sinh ra trong gia đình có đến 7 anh chị em tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Ông chia sẻ: Gia đình gốc của hai bên nội ngoại đều khá giả, nhưng khi ba mẹ ra ở riêng thì phải tự bươn trải, con cái cứ đông dần khiến cái thiếu, cái khó lại ngày càng chồng chất.

Ba mẹ đều là giáo viên, nhưng đồng lương đi dạy không đủ sống, vì thế ba thậm chí chuyển qua nghề đạp xích lô, còn mẹ mở lớp tại nhà để dạy trẻ trong xóm. Không có tiền mua đất, gia đình phải xin cất nhờ căn nhà lá nhỏ trên một khoảng ao để sống tạm…

Ông trầm ngâm nhớ lại: “Ngày ấy ăn uống không được đầy đủ, hầu như không bao giờ được ăn sáng mà toàn phải nhịn đói đi học, lâu lâu có thằng bạn thương, nó mua cho củ khoai… Đến năm 1975, hệ thống trường Đại học ngưng tuyển sinh một năm, trong lúc chờ thi tôi đi làm thêm để có thu nhập, không phụ thuộc gia đình. Khi đó trải đủ nghề, từ đi bốc xếp ở chợ Bà Chiểu đến kéo xe ba gác chở gạo… Đi làm mới có chút tiền, mới được ăn sáng, mới biết tô phở là gì, tô hủ tiếu hay cơm tấm là gì…”.

Tuổi trẻ mơ ước học kỹ thuật, đăng ký thi trường Bách khoa, nhưng số phận lại lựa chọn để chàng trai trẻ Chí Hiếu trở thành sinh viên trường Kinh tế. Dù không phải nguyện vọng thực sự của bản thân, nhưng ông chưa bao giờ có ý nghĩ chuyển ngang nghề bởi “lúc đó khó khăn lắm, ra trường lương tháng được 60 đồng, chỉ lo tập trung đi làm kiếm sống chứ đâu nghĩ được ‘mơ ước’ là gì”.

“Cuộc sống là một kịch bản đầy những ngã rẽ không ai lường trước được và luôn đầy thử thách. Sống là một cuộc phiêu lưu đầy trắc trở và mình phải sẵn sàng dấn thân. Nếu chỉ vì một vài khó khăn mà đã vội lùi bước thì thật là một cuộc sống quá vô vị”, TS. Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển nhà Thủ Đức – ThuDuc House chia sẻ.

Xây dựng và phát triển cùng Thủ Đức House

Ông Lê Chí Hiếu nhớ lại: Thời thập niên 80 thế kỷ trước, sau khi tốt nghiệp đại học, ông về công tác trong Ngân hàng Nhà nước, nơi không ít sinh viên kinh tế khao khát muốn đặt chân vào. Đang yên vị ông lại chuyển về UBND huyện Thủ Đức, làm trưởng các bộ phận kế hoạch, tài chính, thống kê kiêm trưởng ban quản lý công trình cho huyện.

Đến năm 1994, ông Hiếu được điều về làm Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển nhà huyện Thủ Đức. Năm 1997, công ty chính thức chuyển sang kinh doanh theo cơ chế thị trường với nhiều dự án khu đô thị, chung cư tại 3 quận: 2, 9, Thủ Đức (tách ra từ huyện Thủ Đức cũ).

Thủ Đức House vốn là doanh nghiệp nhà nước, phụ trách việc quản lý hơn 6.000 căn nhà mà Nhà nước cho thuê trên địa bàn huyện Thủ Đức, tính chất công việc không hề liên quan đến hoạt động kinh doanh. 

Nhiều người vẫn tưởng ông Chủ tịch Hiếu chỉ là một doanh nhân tài ba, một chuyên gia tài chính sắc sảo nên khá bất ngờ khi biết ông với vai trò là một nhạc sĩ, tác giả của nhiều ca khúc được giới trẻ yêu thích
Nhiều người vẫn tưởng Chủ tịch Hiếu chỉ là một doanh nhân tài ba, một chuyên gia tài chính sắc sảo nên khá bất ngờ khi biết ông với vai trò là một nhạc sĩ, tác giả của nhiều ca khúc được giới trẻ yêu thích. (Ảnh: Internet)

“Trong hai năm đầu công việc rất khó khăn khi việc mua đất bắt đầu nổi lên, công ty được Ủy ban huyện giao cho việc đi đền bù đất giải phóng mặt bằng giúp các doanh nghiệp. Nguyên năm đầu tiên khi về công ty (công ty khi đó vừa thành lập được 3 năm), tôi phải tiếp từ cán bộ Viện kiểm sát đến thanh tra các cấp từ huyện tới trung ương, giải quyết hậu quả kiện tụng của người dân từ những năm trước để lại…”, Chủ tịch Lê Chí Hiếu kể về những ngày đầu bắt đầu làm việc ở Thủ Đức House

Năm sau, vị lãnh đạo của Thủ Đức House quyết định “trả” công việc quản lý nhà cho các công ty công ích thực hiện và bắt đầu nghĩ đến chuyện kinh doanh. Sẵn có quỹ đất, chủ yếu là đất ruộng để không, Thủ Đức House bắt đầu xây dựng những dự án nhà ở để bán đầu tiên. Từ đây, công ty mới đứng ra kinh doanh độc lập thực sự và hoàn toàn.

Với số vốn ít ỏi được nhà nước cấp cho ban đầu là 400 triệu đồng, công ty chỉ được định giá tài sản ở mức 12 tỉ đồng. Năm 2000, UBND TP.HCM có quyết định chuyển đổi từ Doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức như hiện nay.

Dưới sự lèo lái của Chủ tịch Lê Chí Hiếu, Thủ Đức House bắt đầu triển khai cổ phần hóa và đến 2001 thì hoàn thành. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của công ty tăng lên thành 15 tỉ đồng, nhà nước chỉ còn chiếm 20% nguồn vốn, còn lại đều huy động từ bên ngoài vào.

Năm 2006, công ty này đã chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) với mã chứng khoán là TDH.

Từ một doanh nghiệp có vốn chỉ vài trăm triệu đồng, đến nay Thủ Đức House có tổng tài sản hơn 2.000 tỷ đồng và hiện có hơn 50 dự án ở khắp các thành phố lớn. Đây là công ty Bất động sản đầu tiên thành lập công ty con tại Mỹ.

Ngày đó, dù thành phố đã có chủ trương khuyến khích doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng rất ít đơn vị thực hiện. Trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), Thủ Đức House là đơn vị đầu tiên thực hiện chủ trương này. Việc huy động vốn bằng cổ phần hóa vì thế rất khó khăn, hầu hết mọi người còn chưa biết cổ phần hóa là gì, việc đi chào mời nhà đầu tư mua cổ phần không hề đơn giản.

Ông Hiếu kể: “Tôi đã phải mở liên tiếp mấy hội nghị, kêu gọi từ bạn bè, thân hữu của mình mua cổ phần, những cổ đông đầu tiên mua cổ phần chủ yếu dựa trên niềm tin và uy tín của cá nhân mình… Sau chính những cổ đông này phải quay lại cám ơn mình vì chỉ bỏ ra 50 triệu đồng nhưng thu về đến mấy tỉ. Trước khi TDH lên sàn, giá cổ phần của công ty đã tăng thêm mười mấy lần so với ban đầu; đến thời điểm TDH lên sàn vào năm 2006, giá trị này thậm chí tăng gấp 33 lần”.

Thế nhưng không phải chặng đường nào cũng rải toàn hoa hồng. Nhớ lại giai đoạn 2011 – 2014, thị trường BĐS gần như đóng băng, hàng tồn kho chồng chất. Đi đâu cũng thấy dự án ngưng thi công vì thiếu vốn và không bán được. Ông Hiếu có một quyết định được giới kinh doanh BĐS xem là “điên rồ” khi khai trương Sàn giao dịch BĐS nhằm thu hút các công ty khác chung tay đẩy mạnh bán hàng. 

Để thu hút người mua nhà, ông Hiếu đã ra một quyết sách đặc biệt là người mua chỉ cần thanh toán 40% sẽ được nhận nhà. Số tiền còn lại có thể thanh toán trong vòng 5 năm với lãi suất 0%. Ông bảo công ty đã giảm lợi nhuận, chấp nhận hòa vốn vì phần lời để bù vào lãi suất cho người mua nhà. Nhờ đó hàng làm ra vẫn bán được cho những người có nhu cầu thực sự. Chính nhờ quyết định trên mà hàng nghìn người có thu nhập thấp được “an cư lạc nghiệp”.

“Song song nhiều giải pháp, chúng tôi thành lập tổ xuất nhập khẩu chuyên các sản phẩm nông sản, đẩy mạnh phát triển chợ đầu mối Thủ Đức. Thắt chặt mối quan hệ từ thương buôn đến nông dân nên nhanh chóng đẩy mạnh xuất nhập khẩu các sản phẩm sang nhiều nước trên thế giới. Nhờ đó, Thủ Đức House đã vượt qua cơn bão khủng hoảng một cách vững chãi nhất”, ông Hiếu chia sẻ.

Một người nhạc sĩ tài ba, một doanh nhân mê âm nhạc

Nhiều người vẫn tưởng ông Chủ tịch Hiếu chỉ là một doanh nhân tài ba, một chuyên gia tài chính sắc sảo nên khá bất ngờ khi biết ông với vai trò là một nhạc sĩ, tác giả của nhiều ca khúc được giới trẻ yêu thích. Hơn thế, ngoài đời nhạc sĩ Hiếu còn là người hát hay, đàn giỏi.

Tính đến nay, ông Hiếu đã sáng tác khoảng 50 ca khúc, nhạc sĩ Lê Chí Hiếu là người sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng như: Cỏ hát, Nhịp Sài Gòn, Tuổi 20, Ra khơi… Ca khúc “Vững bước dưới cờ Đoàn” của ông đã trở thành bài hát truyền thống của ca Đoàn.

Nhiều ca sĩ nổi tiếng đã từng hát nhạc phẩm của ông như: Quang Dũng, Hồ Quỳnh Hương, Hồng Hạnh, Ygaria, Trang Nhung, Nhã Ca, Maria Đinh… Thậm chí, một ca sĩ Phillippines vì quá thích thú với ca khúc Nhịp Sài Gòn đã đem về nước để hát.

Với ca sĩ Ygaria (con trai cố nhạc sĩ Ymoan), Lê Chí Hiếu là một nhạc sĩ thực sự bởi: “Những sáng tác của ông rất “chất” và nhiều cảm xúc. Trong album Thời gian, có một ca khúc cùng tên do Lê Chí Hiếu viết lời và tôi làm phần nhạc. Khi đọc các ca từ ông viết tôi bị mê hoặc, xúc động đặc biệt. Nhiều khi tôi không hình dung được tại sao với một dáng vẻ lịch lãm, điềm đạm của một doanh nhân lại có thể có những ca khúc sôi động, trẻ trung như Tuổi 20. Tôi cũng đã thể hiện nhiều ca khúc khác của ông như Mưa phùn cao nguyên. Dự định sắp tới tôi sẽ dựng lại bản Mưa phùn cao nguyên theo dạng Acoustic rock”.

Chia sẻ về chuyện sáng tác nhạc, ông Hiếu nói: “Âm nhạc cần cho cuộc sống như nhịp đập cần cho trái tim. Âm nhạc giúp con người lấy lại thăng bằng và nhìn cuộc sống với thái độ an nhiên…”.

TH