Tọa đàm cũng nhằm triển khai hiệu quả Quyết định số 1797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thiết thực Kỷ niệm 17 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2021).
Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNNVNVNONN); ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương; ông Phùng Công Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban về người VN ở nước ngoài TP.HCM (UBVNVNONN TP.HCM) cùng trên 150 doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào, đại diện lãnh đạo các Hội đoàn doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào trong và ngoài nước như: Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài - BAOOV; Liên hiệp các Hội Doanh nhân Việt Nam ở châu Âu; Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam toàn Thái Lan; Hiệp hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam - VPBA; các Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc, Pháp, Thụy Sỹ, Mỹ, Ý, Rumani, Ba Lan, Đài Loan, Mông Cổ, Hungary, Hàn Quốc ...
Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Việc triển khai mục tiêu kép về phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội cùng sự ra đời của các hiệp định thương mại thế hệ mới đã đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước.
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến, các đại biểu đã trao đổi về những giải pháp nhằm tăng cường, phát huy vai trò cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thương hiệu Việt Nam, tích cực tham gia quảng bá hàng Việt Nam, trực tiếp hoặc gián tiếp phát triển các kênh phân phối hàng hóa của Việt Nam ở nước sở tại trong tình hình hiện nay như: “Mạng lưới các Trung tâm Thương mại của Doanh nhân người Việt tại Đông Âu”; “Kinh nghiệm tổ chức các Triển lãm hàng hóa Việt Nam ở các nước”; “Phát triển mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan”; “Kế hoạch thành lập Ngôi nhà Thương mại Việt Nam tại Bỉ trong năm 2021”.v.v… nhằm tạo điều kiện để các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong và ngoài nước kết nối cùng đồng hành, chung tay phát triển mạng lưới tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước ngoài.
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp kiều bào, mặc dù hàng hóa Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển bởi mức độ hội nhập quốc tế sâu rộng và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do trên thế giới, đến nay trên nhiều kệ hàng siêu thị nước ngoài vẫn còn vắng bóng hàng Việt.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, ông Hồ Quang Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam toàn Thái Lan cho biết, Hiệp hội hiện có 500 hội viên với 15 chi hội tại Thái Lan và có một trung tâm triển lãm 10 ha đặt tại miền Đông Bắc Thái Lan, trong đó dành riêng 1 ha cho hàng Việt Nam. Nhưng có một thực tế, hàng Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam rất nhiều, ngược lại hàng Việt Nam sang Thái Lan lại rất hạn chế. Hàng Việt thường có giá cao, không đáp ứng tính cạnh tranh về sản phẩm, số lượng, cũng như có nhiều rào cản thuế quan…
Tại thị trường châu Âu, ông Hoàng Xuân Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Ba Lan cho biết, trong số các mặt hàng được Việt kiều phân phối, hiện chỉ có 5 - 10% hàng hóa của Việt Nam. Ngoài hạn chế về chất lượng, giá thành, còn gặp khó khăn về thời hạn giao hàng, thanh toán…
Theo chia sẻ của một doanh nhân ở Phần Lan, hàng hóa Việt Nam muốn xuất sang EU phải có các giấy chứng nhận, ngoài tiêu chuẩn kỹ thuật chung của khối thì từng quốc gia còn có những quy định, cấp phép riêng, cộng vào đó là chi phí logistics, nhất là trong bối cảnh tăng giá do tác động của Covid-19. “Do không đủ sức và kinh nghiệm như doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên gom lại với nhau thành hội đồng, ngành hàng thì sẽ mạnh hơn, lúc đó mới có thể đánh hàng ra nước ngoài”, doanh nhân kiều bào ở Phần Lan gợi ý.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đây là một trong những vấn đề trăn trở của Đảng, Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước hiện nay. Đó là làm thế nào để tăng cường, huy động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiêu thụ các sản phẩm thương hiệu Việt, tích cực tham gia giới thiệu hàng Việt Nam và trực tiếp hoặc gián tiếp phát triển các kênh phân phối hàng hóa của Việt Nam ở nước sở tại.
Thông tin tích cực từ ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết: Trong năm 2021, Cục XTTM đã tổ chức hiệu quả nhiều chương trình giao thương giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nhà nhập khẩu nước ngoài trên các ứng dụng của nền tảng số. Cục XTTM đã phối hợp với các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Vụ thị trường ngoài nước của Bộ Công Thương, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức XTTM quốc tế trực tiếp tổ chức trên 30 hội nghị giao thương trực tuyến; phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng của Việt Nam tổ chức hàng trăm chương trình giao thương trực tuyến hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội, hợp tác xã các ngành hàng dệt may, cơ khí, thực phẩm chế biến, nông sản, rau quả ... kết nối với các nhà nhập khẩu đến từ các thị trường ASEAN, Đông Bắc Á, châu Phi, Trung Đông, Eu, Nga, châu Úc, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ…Theo thống kê sơ bộ, tổng số lượt doanh nghiệp VN và nước ngoài được hỗ trợ kết nối trực tuyến do Cục XTTM tổ chức là khoảng 5.200 lượt doanh nghiệp với nhiều ngành hàng, sản phẩm đa dạng và tiếp xúc, trao đổi với các nhà nhập khẩu từ các thị trường thuộc 5 châu lục.
Bằng những hoạt động XTTM đầy hiệu quả nêu trên đã góp phần đưa các sản phẩm hàng hóa được sản xuất từ bàn tay tinh hoa và trí tuệ của người Việt với sự hỗ trợ tích cực của các doanh nhân, kiều bào Việt Nam tại nước ngoài được tiến sâu, vươn xa, khẳng định vị trí vững chắc tại nhiều thị trường trên thế giới, từ đó, đem lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người nông dân trong nước để vượt qua những khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid – 19.
Tại tọa đàm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã ký thỏa thuận hợp tác với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam để tăng cường kết nối, phối hợp trong công tác phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cho sự phát triển kinh tế Việt Nam./.
PL