Ảnh minh họa.
Rất ít doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng
Việc các doanh nghiệp (DN) trong nước cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia, các DN đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam là một cách hữu hiệu để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, các DN Việt Nam hiện vẫn loay hoay vì chưa thể xác định vị trí của mình ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 45,27 tỷ USD, tăng 32%, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 25,94 tỷ USD tăng 36,9% so với năm 2016. Tuy vây, hiện chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong khi ở Thái Lan là trên 30% và ở Malaysia là 46%. Do vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI thông qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và nâng cao năng suất. Ba ví dụ điển hình là xe máy, dệt may và da giày.
Cụ thể, Việt Nam đã trở thành nước sản xuất xe máy quy mô lớn với 3,2- 3,5 triệu chiếc/năm; 80% linh kiện, phụ tùng được sản xuất trong nước, nhưng phần lớn là do doanh nghiệp FDI thực hiện, doanh nghiệp trong nước mới sản xuất được ắc quy, phụ tùng bằng nhựa.
Công ty Honda chiếm khoảng 60% sản lượng xe máy, có 110 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; trong đó chỉ có 23 doanh nghiệp trong nước. Nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của Honda đối với nhà cung ứng về công nghệ, thời gian, nguồn nhân lực, nhất là người đứng đầu doanh nghiệp.
Thời gian qua, ngành Dệt may Việt Nam đã cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, là nhà xuất khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc tại thị trường Hoa Kỳ; tuy vậy đang đối mặt với cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác như Myanmar, Campuchia… làm gia tăng áp lực lên thị phần Việt Nam tại các thị trường lớn.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Vũ Đức Giang cho rằng, do thiếu liên kết giữa các DN trong ngành với nhau đã làm cho năng lực cạnh tranh của ngành dệt may bị hạn chế. Để đảm bảo xuất khẩu bền vững cần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đồng thời coi trọng thị trường nội địa, phát triển các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, xây dựng thương hiệu mới và các kênh tiêu thụ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nó không đơn thuần nằm ở yếu tố kỹ thuật, năng lực sản xuất mà phải nhìn nhận dưới hai góc độ: năng lực tư duy và năng lực thực hành. Về năng lực tư duy, có thể khẳng định DN Việt Nam không thua kém các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, các DN hiện đầu tư rất ít cho khoa học công nghệ khiến cho năng suất lao động thấp và năng lực thực hành yếu. Điều này cản trở việc DN có đủ điều kiện để tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Vì vậy, DN phải tự tìm ra chiến lược và chỗ đứng cho mình trên thị trường. Trong chuỗi sản xuất cung ứng một sản phẩm, thay vì chỉ một DN đứng ra sản xuất thì có thể hợp tác với các DN khác để chuyên môn hóa từng khâu, từng công đoạn sản xuất... Chẳng hạn, để sản xuất một chiếc iPhone, hãng Apple phải sử dụng linh kiện điện tử của hàng trăm nhà cung cấp trên thế giới. Vậy Việt Nam nên tham gia vào khâu nào trong chuỗi giá trị này?
Cần có sự đồng hành của các doanh nghiệp
Chặng đường để tham gia, cho đến việc tạo chuỗi cung ứng thực sự quá khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ, bởi thiếu thốn mọi yếu tố về năng lực cạnh tranh, vốn, trình độ quản lý… Việt Nam vẫn chưa xây dựng được các chuỗi cung ứng, sản xuất đủ mạnh và quy mô để tạo nền tảng cho các doanh nghiệp tham gia.
Với trên 95% là DN nhỏ và siêu nhỏ như hiện tại, đây là bài toán rất khó đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập. Để giải được bài toán này, các doanh nghiệp cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan nhà nước bằng những hành động thiết thực như giảm thủ tục hành chính, có chính sách cơ chế ưu đãi phù hợp để khuyến khích, thúc đẩy các khu vực kinh tế tham gia vào chuỗi sản xuất… Đồng thời cần xây dựng cơ chế riêng về tín dụng hoặc các quỹ bảo lãnh để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi có điều kiện tiếp cận và chủ động nguồn vốn trong triển khai kinh doanh, cũng như xây dựng cơ chế liên kết bền vững trong chuỗi cung ứng.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trước khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phải xác định chúng ta là ai, lựa chọn quan tâm sản phẩm nào trong chuỗi giá trị đó và tham gia vào đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Chuỗi giá trị toàn cầu thì có rất nhiều người tham gia, nhưng muốn khẳng định vị thế thì phải tạo ra sản phẩm dẫn đầu trong chuỗi giá trị toàn cầu đó. Nếu chúng ta chỉ tham gia sản xuất con ốc vít thì chúng ta chỉ chạy theo đuôi chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Vũ Đình Ánh nói.
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng mới đây, một số DN Việt Nam đã mạnh dạn đi tiên phong đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu với trang thiết bị hiện đại, nhân lực trình độ công nghệ cao... để triển khai nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế cả về chất lượng và giá thành.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ngành công nghiệp của Việt Nam trong suốt quá trình công nghiệp hóa đi lên rất nhọc nhằn. Công nghiệp Việt Nam không phát triển được, không có những nhà công nghiệp giỏi để thành tỷ phú là do cả hai nhân tố, một là sức của DN tư nhân trong nước chưa có, nguồn lực trong nước cũng khó khăn; hai là do đường hướng chính sách không cổ vũ DN tư nhân đi vào các ngành công nghiệp. Cần phải có chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, thuế VAT, vốn tín dụng đầu tư. Đồng thời các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội ngành hàng cần tăng cường xúc tiến và hỗ trợ mở rộng thị trường cho các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Hồng Loan