Các DN tại Đồng Nai cũng tận dụng khá tốt cơ hội từ các FTA mang lại, hàng hóa xuất khẩu vào các nước trong CPTPP, EVFTA, RCEP trong thời gian qua tăng nhanh. Cụ thể, 3 thị trường xuất khẩu lớn của Đồng Nai là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đều có mặt trong FTA Việt Nam đã ký kết.
Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty May Đồng Nai cho biết, trong năm 2021, do đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, công ty bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động sản xuất của công ty bị gián đoạn. Đến quý IV-2021, hoạt động sản xuất được phục hồi, đến nay công ty đã đảm bảo hoạt động 100%. Các thị trường xuất khẩu lớn của công ty là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong thời gian qua, khi nhiều FTA có hiệu lực, trong đó có EVFTA đã góp phần tạo thêm thuận lợi cho công ty phát triển các đơn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tương tự, ông Trần Văn Hải, Giám đốc Nhà máy sản xuất của Công ty CP Thực phẩm GC (Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom) cho biết, hiện nay thị trường xuất khẩu lớn của công ty là Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới sẽ mở ra cơ hội để công ty tiếp cận những thị trường mới như châu Âu, cũng như tận dụng các ưu đãi về thuế quan, các chính sách về xuất nhập khẩu để phát triển thị trường…
Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhất Nam, ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cho hay: “Từ cuối năm 2020, ngành sản xuất gỗ đã có sự bứt phá trở lại bằng cách khai thông được các đơn hàng của những thị trường truyền thống và mở rộng thêm các thị trường mới. Do đó, công ty đảm bảo được sản xuất, xuất khẩu và tăng trưởng khá so với cùng thời điểm năm trước”. Cũng theo ông Bình, Công ty Nhất Nam cũng như nhiều công ty khác trên cùng lĩnh vực rất chú trọng mở thêm những thị trường Việt Nam đã ký kết các FTA để hưởng các ưu đãi về thuế quan, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa.
Ông Shiba Yuichi, Phó trưởng Phòng Kinh doanh Công ty TNHH Sopet Gas One (H.Nhơn Trạch) cho biết: “Nhiều đơn hàng từ nước ngoài đã dịch chuyển về Việt Nam và Đồng Nai nên xuất khẩu tăng. Các khách hàng nước ngoài dịch chuyển đơn hàng về Đồng Nai là do các DN trên địa bàn tỉnh có thể sản xuất được những đơn hàng khó, trong thời gian ngắn”.
Tác động từ FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, giúp cho nhiều DN mở rộng thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu vào nhiều thị trường tăng trưởng khá tốt, nhất là đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh trong năm vừa qua.
Theo Sở Công thương Đồng Nai, trong năm 2021, dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn đạt được kết quả khả quan, ước đạt hơn 21,8 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều mặt hàng chủ lực của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm vừa qua. Đơn cử, so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khoảng tăng 10,8%; mặt hàng xơ, sợi dệt tăng hơn 58,7%; mặt hàng máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng tăng 14,5%... Kim ngạch xuất khẩu vào nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản… vẫn đạt mức tăng trưởng dương.
Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai Lê Văn Lộc cho biết, Sở sẽ tiếp tục chủ động liên kết website, trang thông tin điện tử của Bộ Công thương để cung cấp những thông tin cần thiết về các FTA, nhất là FTA thế hệ mới nhằm giúp các DN trong tỉnh tiếp cận thông tin, chuẩn bị điều kiện cần thiết để hội nhập và phát triển.
Diệu Hồng (t/h)